Mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 đã khép lại. Trước mắt là khoảng thời gian để doanh nghiệp lên phương án tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024 và sửa soạn các kế hoạch kinh doanh và chia cổ tức năm 2024.
Ảnh minh họa |
Với triển vọng kinh tế vĩ mô đang cải thiện tốt hơn, mặt bằng lãi suất liên tục đi xuống, tỷ giá ổn định, phần lớn các doanh nghiệp đặt kế hoạch năm 2024 có sự tăng trưởng tích cực. Đây sẽ là chất xúc tác hỗ trợ cho giá cổ phiếu, giúp thị trường tránh nguy cơ giảm sâu nếu có diễn biến điều chỉnh.
Như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã MWG ), sau mức lãi thấp nhất kể từ khi niêm yết vừa lên kế hoạch lãi sau thuế 2.400 tỷ đồng trong năm 2024. Dù con số này vẫn thấp hơn mức lợi nhuận từng đạt được trong giai đoạn 2018-2022 song gấp hơn 14 lần năm 2023. Đóng góp chính trong mức lợi nhuận năm này vẫn từ chuỗi Thế giới Di động và Điện máy xanh.
CTCP Dabaco (Mã DBC ) đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2024 25.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với kết quả thực hiện năm 2023 (11.110 tỷ và 25 tỷ đồng).
Kế hoạch này dựa trên tính toán giá thịt heo ở mức 53.000-55.000 đồng/kg sau khi đã chạm đáy 48.800 đồng/kg trong năm 2023,cũng như kỳ vọng sức mua sẽ hồi phục trở lại.
Dù dự báo thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu - Hodeco (Mã HDC ) vẫn đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.657,6 tỷ đồng - tăng 1,5 lần so với thực hiện trong năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 424 tỷ đồng - gấp 1,93 lần. Cổ tức dự kiến tỷ lệ 15%.
Trong khi đó, Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (Mã DPM ) dù công bố kế hoạch doanh thu giảm nhẹ 6% về 12.755 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế phấn đấu đạt 542 tỷ - tăng 17% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2023. Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc nếu tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón, giá u rê thế giới dự báo sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi.
Doanh nghiệp ngành thép là CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã SMC ) sau khi ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2023 gần 13.800 tỷ đồng - giảm 41% YoY trong năm 2023 cùng mức lỗ ròng gần 880 tỷ (năm thua lỗ thứ 2 liên tiếp) đặt kế hoạch kinh doanh với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 900.000 tấn thép các loại, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng trong năm 2024.
Ông lớn ngành sữa CTCP Vinamilk (Mã VNM ) dù chưa công bố kế hoạch 2024 nhưng theo Bloomberg dự báo, lợi nhuận của VNM sẽ tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, nếu năm 2023, lợi nhuận/cp của Vinamilk đạt 3.796 đồng thì năm 2024 sẽ đạt 4.382 đồng do người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn sản phẩm tốt, giá tầm trung mà Vinamilk cung cấp, nhất là ở ngành hàng sữa đặc và sữa chua.
Bên cạnh những doanh nghiệp đặt kế hoạch khả quan, thị trường ghi nhận không ít doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh đi ngang hoặc giảm sút trong đó đặc biệt là nhóm dầu khí, phân bón, hóa chất. Đây là nhóm chịu ảnh hưởng lớn bởi diễn biến giá cả hàng hóa thế giới có nhiều biến động, nên hàng năm đều đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, nhất là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã BSR ) chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 ở mức 1.291 tỷ đồng - giảm hơn 86% so với kết quả năm 2023. Dù vậy, đây gần như là kịch bản thường thấy ở doanh nghiệp này khi đặt kế hoạch thấp và kết thúc năm vượt kế hoạch cả trăm %.
Hay như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã PVS ) đặt mục tiêu lãi sau thuế 660 tỷ đồng - giảm 26%; Vận tải Dầu khí (Mã PVT ) dự phóng lãi sau thuế 760 tỷ đồng - giảm 40%; CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (Mã DCM ) dự kiến lãi ròng 1.100 tỷ đồng.
>> Lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của 100 doanh nghiệp 
Sa thải gần 20.000 nhân viên, kết quả kinh doanh của Meta vượt kỳ vọng 
Tổng hợp KQKD nhóm BĐS KCN: Cả ngành đều 'ăn nên làm ra', Top 1 tăng lợi nhuận tới 35 lần