Tổng Giám đốc SHS: Thị trường chỉnh là cơ hội, chúng tôi đã bắt đáy nhóm VN30, đang cân nhắc nhóm bất động sản
Sếp Chứng khoán SHS nhận định, bộ phận tự doanh của công ty tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, quy mô lớn và đầu tư theo hướng dài hạn. Những đợt sụt giảm mạnh như vừa rồi được xem là cơ hội tích lũy chứ không phải rủi ro.
![]() |
Quang cảnh ĐHCĐ thường niên 2025 của Chứng khoán SHS |
Chiều ngày 10/4, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS ) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tại Hà Nội. Trước đó, công ty khép lại năm 2024 với doanh thu hoạt động đạt 1.991 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.239 tỷ đồng, lần lượt tăng 36% và 81% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2025, SHS trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với hai phương án:
Phương án 1: Trường hợp chào bán cổ phiếu thành công, công ty đặt mục tiêu doanh thu gần 2.520 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.601 tỷ đồng, tăng tương ứng 27% và 29% so với năm trước. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Phương án 2: Nếu dừng chào bán cổ phiếu, mục tiêu doanh thu là 2.262 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.369 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 11% so với cùng kỳ.
Tại phần hỏi đáp, liên quan đến kinh nghiệm đầu tư tự doanh trong nhịp điều chỉnh 223 điểm của VN-Index, Tổng Giám đốc SHS Nguyễn Chí Thành cho biết: Cách đầu tư của bộ phận tự doanh và các đơn vị đầu tư chuyên nghiệp như quỹ hoặc công ty chứng khoán có nhiều khác biệt so với nhà đầu tư cá nhân. Một điểm đáng chú ý là bộ phận tự doanh không sử dụng đòn bẩy tài chính (margin), điều này giúp kiểm soát tốt vị thế và trạng thái tài khoản – một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư cá nhân thường ra quyết định sai lầm.
Ông Thành nhấn mạnh, bộ phận tự doanh theo đuổi chiến lược đầu tư dài hạn, dựa trên quan điểm và luận điểm rõ ràng. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng đầu cơ, giao dịch thiếu chiến lược, dẫn đến sự khác biệt rõ rệt về điểm mua – bán và kế hoạch giải ngân.
Ngoài ra, quy mô vốn giữa nhà đầu tư tổ chức và cá nhân cũng khác biệt, nên không thể áp dụng máy móc chiến lược của tự doanh cho nhà đầu tư cá nhân. Thay vào đó, cần có góc nhìn phù hợp hơn với điều kiện thực tế của từng cá nhân.
>> Mỹ hoãn thuế 90 ngày: 'Đại gia' sở hữu loạt doanh nghiệp dệt may nói cơ hội đã mở ra
Một yếu tố quan trọng khác là kiểm soát tỷ trọng danh mục. Ông Thành nói: “Nếu ai đã đọc báo cáo đầu năm của SHS sẽ thấy, chúng tôi từng khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu – tiền mặt hợp lý. Khi thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư nắm giữ quá nhiều cổ phiếu và thiếu tiền mặt thường sẽ không đủ khả năng phòng thủ.”
SHS từng cảnh báo thị trường có thể điều chỉnh đột ngột, nhất là trong giai đoạn không có thông tin hỗ trợ. Thực tế, thị trường đã giảm sàn 3-4 phiên liên tiếp mà không có lực đỡ.
Để phòng ngừa rủi ro, nhà đầu tư có thể sử dụng công cụ phòng hộ (hedging) như mở vị thế bán (short) trên thị trường phái sinh nhằm cân bằng danh mục. Khi thị trường giảm, khoản lãi từ vị thế short có thể bù đắp một phần thua lỗ từ cổ phiếu.
Tuy nhiên, để hiệu quả, cần đảm bảo danh mục cổ phiếu có tính tương đồng với chỉ số phái sinh đại diện như VN30 hoặc VN100. Nếu danh mục phân tán, việc phòng hộ có thể kém hiệu quả.
Đối với SHS, bộ phận tự doanh tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, quy mô lớn và đầu tư theo hướng dài hạn. Những đợt sụt giảm mạnh được xem là cơ hội tích lũy chứ không phải rủi ro. Thực tế, trong những phiên giảm sâu gần đây, SHS đã mua vào thay vì bán ra. Công ty cũng chủ động hiện thực hóa lợi nhuận khi cần thiết để duy trì hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo cổ tức cho cổ đông.
“Tự doanh SHS đầu tư có kỷ luật, không giữ nguyên toàn bộ danh mục mà không chốt lời”, ông Thành nhấn mạnh.
Về quan điểm đầu tư, ông cho biết SHS luôn ưu tiên những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, quản trị minh bạch. Lịch sử cho thấy, sau các khủng hoảng như căng thẳng Biển Đông, đại dịch Covid-19 hay vụ việc SCB – Vạn Thịnh Phát, nhóm cổ phiếu phục hồi nhanh nhất vẫn là những mã có nền tảng vững chắc.
Do đó, SHS chủ động né các nhóm ngành dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro vĩ mô như thuế quan Mỹ, chiến tranh thương mại. Trong nhóm xuất khẩu, công ty hạn chế bắt đáy. Trong khi đó, bất động sản nhà ở vẫn là phân khúc có nhu cầu thật – khi giá chiết khấu đủ sâu, SHS sẽ xem xét đầu tư.
Ví dụ điển hình là FPT – cổ phiếu này từng giảm từ mức đỉnh 150.000 đồng về dưới 100.000 đồng/cp. SHS đã tận dụng cơ hội để bắt đáy và ra báo cáo khuyến nghị mua với kỳ vọng dài hạn. “Chúng tôi đánh giá FPT là doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt, tiềm năng tăng trưởng cao và định giá hợp lý”, ông Thành kết luận.
>> [LIVE] ĐHĐCĐ Chứng khoán SHS: CEO tin tưởng năm nay KRX vận hành, hé lộ lợi nhuận quý I/2025