Câu chuyện đầu tư

Mỹ hoãn thuế 90 ngày: 'Đại gia' sở hữu loạt doanh nghiệp dệt may nói cơ hội đã mở ra

Quốc Trung 10/04/2025 - 14:46

Những lo ngại về việc hàng hóa Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng 46% khi xuất khẩu vào Mỹ đã phần nào được cởi bỏ sau loạt diễn biến tích cực trong đêm 9/4, rạng sáng 10/4 (giờ Việt Nam).

Mỹ hoãn thuế 90 ngày: 'Đại gia' sở hữu loạt doanh nghiệp dệt may nói cơ hội đã mở ra
Ảnh minh họa

Phía Mỹ thông báo sẽ gia hạn áp thuế thêm 90 ngày cho hàng hóa từ hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam, sau khi các nước này thể hiện thiện chí hợp tác thương mại.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc – với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm – đã có cuộc làm việc quan trọng với giới chức Mỹ. Hai bên thống nhất khởi động đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương, nhằm tạo khuôn khổ ổn định, lâu dài và cùng có lợi, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Dù vậy, theo ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, công ty mẹ của loạt doanh nghiệp trên sàn như VDN , HDM , HTG, NDT...) – Mỹ vẫn áp ngay mức thuế bổ sung 10%, cộng dồn vào thuế hiện hành. Ví dụ, thuế MFN với hàng may mặc Việt Nam vốn ở mức 18%, giờ nâng lên 28%. Với Bangladesh là 16% lên 26%, Ấn Độ là 15% lên 25%.

Ông Cầm nhận định, dù không “nặng đô” như mức 46% từng công bố, nhưng thuế 10% vẫn sẽ ảnh hưởng rõ đến sức tiêu thụ hàng may mặc tại Mỹ. "Xuất khẩu sang Mỹ chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới, đặc biệt là hàng may mặc. Tác động cụ thể sẽ phải vài tháng nữa mới nhìn rõ", ông nói.

Tuy nhiên, 90 ngày hoãn thuế chính là khoảng thời gian quý giá để doanh nghiệp Việt đàm phán lại, đẩy nhanh xuất khẩu những đơn hàng đang chờ. Trước đó, không ít đối tác Mỹ đã “tạm hoãn” nhập hàng vì lo thuế suất tăng từ ngày 9/4. Giờ đây, cơ hội giải phóng hàng tồn đã mở ra.

Ông Cầm khuyến nghị, các doanh nghiệp dệt may cần đàm phán chặt với đối tác để chia sẻ rủi ro từ khoản thuế tăng thêm, đồng thời chủ động điều tiết chi phí sản xuất để tối ưu lợi nhuận.

"Khi thuế được cộng thêm 10%, phía đối tác thường sẽ đề xuất chia sẻ gánh nặng. Nhà sản xuất sẽ phải hạ giá bán, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận", ông nói thêm.

Không chỉ là thời gian đàm phán, khoảng hoãn thuế 90 ngày cũng là cơ hội để doanh nghiệp tăng tốc tìm kiếm thị trường thay thế Mỹ. Theo nhóm nghiên cứu của Vinatex, một số thị trường tiềm năng có thể được đẩy mạnh là Canada, các nước ASEAN...

Ông Cầm cho rằng, biến động thuế lần này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu xáo trộn, nhưng đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt “xếp lại bàn cờ”. Với lợi thế về tốc độ sản xuất và khả năng đáp ứng đơn hàng lớn, nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận lại khách hàng cũ từng ngừng hợp tác, hoặc mở rộng sang các đối tác tiềm năng chưa từng khai thác.

Khủng hoảng đôi khi cũng là cơ hội, nếu biết tận dụng.

>> Tổng kết năm, các doanh nghiệp dệt may đua nhau báo lãi lớn

Tạm hoãn thuế 90 ngày: Nước cờ xuất sắc của ông Trump, đúng chất 'Nghệ thuật Đàm phán'

Ông lớn dệt may 50 tuổi đặt mục tiêu thua lỗ giữa 'cơn bão thuế quan', tính cắt giảm nhân sự, bán tài sản và mở quán ăn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/my-hoan-thue-90-ngay-dai-gia-so-huu-loat-doanh-nghiep-det-may-noi-co-hoi-da-mo-ra-286300.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Mỹ hoãn thuế 90 ngày: 'Đại gia' sở hữu loạt doanh nghiệp dệt may nói cơ hội đã mở ra
    POWERED BY ONECMS & INTECH