Vĩ mô

Cấp tổng cục được sắp xếp, tinh gọn như thế nào?

Thu Hằng 19/12/2024 - 07:44

Bộ Công an đã từng xóa bỏ 8 tổng cục và tương đương, mọi việc vẫn êm, nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành. Có những người hôm nay là tổng cục trưởng nhưng ngày mai thành cục trưởng là chuyện bình thường.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong phương án tinh gọn bộ máy của Chính phủ là việc sắp xếp, tinh gọn các tổng cục.

Theo kế hoạch định hướng, Ban Chỉ đạo Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.

Trường hợp cần thiết duy trì mô hình tổng cục, các bộ ngành báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cho ý kiến.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tính đến nay, Chính phủ thống nhất “cơ bản xóa bỏ các tổng cục và tương đương”. Cụ thể, Chính phủ đưa ra phương án dự kiến giảm 12/13 tổng cục và tương đương.

"Hôm nay là tổng cục trưởng nhưng ngày mai làm cục trưởng cũng rất vui vẻ"

Nhìn lại quá trình thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18/2017 của Trung ương khóa 12 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ sắp xếp, tinh gọn các tổng cục.

Trước đó, Chính phủ đã trải qua 2 đợt sắp xếp, tinh gọn các tổng cục và đã giảm được 25 tổng cục.

daituong tolam emag1.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ với VietNamNet về cuộc cách mạng xóa bỏ tổng cục khi đang giữ cương vị Bộ trưởng Công an (đầu năm 2019). Ảnh: VietNamNet

Tiên phong trong cuộc cách mạng xóa bỏ cấp tổng cục là Bộ Công an. Tháng 8/2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ Công an đã công bố bỏ 6 tổng cục gồm: Tổng cục An ninh (Tổng cục 1), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục 2), Tổng cục Chính trị (Tổng cục 3), Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục 4), Tổng cục Tình báo (Tổng cục 5), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8).

Sau đó, Bộ Công an sắp xếp thêm Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động chuyển thành đơn vị tương đương cấp cục. Từ đó, Bộ Công an đã xóa bỏ hoàn toàn cấp tổng cục với 6 tổng cục và 2 đơn vị tương đương tổng cục.

Chia sẻ với VietNamNet, Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đang là Bộ trưởng Công an) cho biết: "Có đồng chí hôm nay là tổng cục trưởng nhưng vì bộ máy thay đổi, tổ chức phân công làm cục trưởng, thậm chí làm cục phó, họ cũng rất vui vẻ".

Bởi vì khi đó, Bộ Công an đã tổ chức những “hội nghị Diên Hồng” để trưng cầu ý kiến, đóng góp, phân tích, đồng thời giải thích, nói rõ những quan điểm, chủ trương để tạo sự đồng tình. Bộ Công an cũng đề xuất duy trì chính sách, chế độ của các cán bộ, chiến sĩ dám "hy sinh" vì đại cuộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng đánh giá, Bộ Công an có những tổng cục hình thành 35 năm nhưng đã mạnh dạn cắt bỏ một lúc 8 tổng cục và tương đương. Sau khi cắt giảm mọi việc vẫn êm, nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành.

Những ngày “mất ăn, mất ngủ” cắt giảm 17 tổng cục

Sau khi Bộ Công an xóa bỏ cấp tổng cục, trừ Bộ Quốc phòng có quy định riêng, các bộ ngành vẫn còn 30 tổng cục cần tiếp tục sắp xếp. Tuy nhiên trong 4 năm từ 2018 – 2022, các bộ ngành khác vẫn “án binh bất động”. Cho đến đầu năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Nội vụ đã bắt tay vào đốc thúc các bộ ngành thực hiện “cắt giảm tổng cục, giảm tầng nấc trung gian”.

Lý do việc cắt giảm tổng cục kéo dài như Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng chia sẻ với VietNamNet là vẫn “có ý kiến này, ý kiến kia kêu khó khăn, vướng mắc”. Tư lệnh ngành Nội vụ cũng nhìn nhận “đây là việc rất khó, khó trong các loại khó nhưng không thể không làm”.

quote 3 626.jpg

Trong quá trình sắp xếp các tổng cục ở lần thứ 2 này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ: “Thật sự nhiều hôm tôi và anh em trong bộ “mất ăn, mất ngủ”. Bởi trên thực tế, có những tổng cục có tính lịch sử, tiền thân là một bộ, nay sắp xếp lại thành cấp cục là cả một vấn đề không đơn giản chút nào”.

Một năm rưỡi miệt mài với cắt giảm tổng cục, đến tháng 6/2023, Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp các tổ chức bên trong bộ ngành và đã cắt giảm thêm 17/30 tổng cục nhưng vẫn còn 13 tổng cục và tương đương cho đến nay.

Trong 17 tổng cục cắt giảm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm 4 tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo.

Bộ Nội vụ có 2 cơ quan tương đương tổng cục là Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được sắp xếp lại tương đương cấp cục.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xóa bỏ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tách thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chuyển 4 Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản và Phòng, chống thiên tai thành cấp cục.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chuyển Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và không còn Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (tương đương cấp tổng cục).

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng chuyển 2 Tổng cục Thể dục thể thao, Du lịch thành Cục Thể dục thể thao và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trước đây tương đương cấp tổng cục nhưng được sắp xếp lại không còn như tổng cục.

Tổng cục Dân số của Bộ Y tế cũng được sắp xếp thành Cục Dân số.

13 tổng cục hiện nay được tổ chức như thế nào?

Trong 13 tổng cục và tương đương còn giữ lại cho đến nay thì Bộ Tài chính có 5 đơn vị: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bộ Ngoại giao có 2 cơ quan tương đương tổng cục là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia.

Các bộ ngành có 1 tổng cục gồm: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động Thương binh và xã hội; Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương; Tổng cục Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp có Tổng cục Thi hành án dân sự; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tương đương tổng cục.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi cắt giảm 4 tổng cục còn lại Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

tongcucquanlythitruong.png
Dự kiến Bộ Công Thương sẽ kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành quản lý; các chi cục quản lý thị trường thuộc sở.

Theo Luật Tổ chức Chính phủ, tổng cục là một cấp trong cơ cấu tổ chức của bộ ngành có số lượng cấp phó không quá 4 người. Mặc dù vậy, 13 tổng cục hiện nay có đến 396 cục, trong khi các bộ ngành chỉ có 141 cục.

Ngoài ra các tổng cục còn có 100 vụ và tương đương, đặc biệt là hiện có đến 2.595 chi cục thuộc cục thuộc tổng cục, 2.328 phòng thuộc cục thuộc tổng cục.

Qua những con số này cho thấy, mặc dù địa vị pháp lý của cấp tổng cục hiện nay chưa được quy định rõ ràng nhưng số đầu mối trực thuộc tổng cục là vô cùng lớn và có tổ chức bộ máy không khác gì “bộ trong bộ”.

Cho nên việc cắt giảm tổng cục tiến tới xóa bỏ cấp tổng cục không chỉ là xóa bỏ cấp trung gian mà là một trong những nội dung rất quan trọng trong thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giúp cho bộ máy "nhẹ để cất cánh” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm.

Và theo phương án tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, tới đây có thể chỉ giữ lại 1 tổng cục mang tính đặc thù và cơ bản sẽ xóa bỏ cấp tổng cục.

>> Chính phủ thống nhất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ khi thực hiện tinh gọn bộ máy

Chính phủ thống nhất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ khi thực hiện tinh gọn bộ máy

Thủ tướng chủ trì phiên họp về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, người lao động khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cap-tong-cuc-duoc-sap-xep-tinh-gon-nhu-the-nao-2353555.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cấp tổng cục được sắp xếp, tinh gọn như thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH