Cậu bé 13 tuổi đọc hết hàng trăm cuốn sách lịch sử vào vai Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Tâm đắc Thép đã tôi thế đấy, Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm
Vừa qua, em đã tham dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì.
Có tình yêu đặc biệt với sách
Em Biện Nguyễn Khôi Nguyên học sinh lớp 8A, Trường THCS Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh . Sinh ra trong một gia đình có nền tảng giáo dục tốt khi bố em là giảng viên đại học, mẹ là giáo viên trường THCS. Khôi Nguyên có điều kiện tiếp xúc và luôn dành một tình yêu đặc biệt với sách.
Khôi Nguyên biết đọc từ rất sớm và thường xuyên đắm chìm vào những trang sách. Đến nay, em đã đọc hết toàn bộ tủ sách gia đình với hàng trăm cuốn, nhiều cuốn còn được đọc hai hoặc ba lần. Ngoài ra, em thường cùng bố đến thư viện để thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của mình.
“Em rất thích đọc các cuốn sách về lịch sử, chính trị. Một số cuốn mà em rất tâm đắc như: Thép đã tôi thế đấy, Những người khốn khổ, Võ Nguyên Giáp  - hào khí trăm năm…” Khôi Nguyên chia sẻ.
Nhiều năm qua, sau giờ học và làm bài tập, Khôi Nguyên luôn dành thời gian cho việc đọc sách. Bên cạnh các chủ đề lịch sử, em còn đọc sách về văn học, khoa học, tiếng Anh và các bộ truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng như Conan, Doraemon… Hiện tại, em đang đọc thêm các bộ sách tiếng Anh để vừa rèn luyện kỹ năng đọc, vừa trau dồi vốn từ vựng.
Thói quen đọc sách đã giúp Khôi Nguyên tích lũy được lượng lớn tri thức ở nhiều lĩnh vực, đồng thời có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về các vấn đề trong cuộc sống và xã hội. Em cũng dành thời gian tham gia các hoạt động thể thao như bóng chuyền, cầu lông, học chơi guitar và rèn luyện kỹ năng mềm.
Chính những yếu tố này đã tạo nên nền tảng để Khôi Nguyên xuất sắc vượt qua các vòng phỏng vấn và "vào vai" Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trả lời chất vấn tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II năm 2024, tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội vào ngày 28/9 vừa qua.
Xuất sắc vào vai Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Hành trình 3 ngày tại Phiên họp “Quốc hội trẻ em” lần thứ II năm 2024, diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội (Hà Nội), đã mang lại cho Khôi Nguyên một trải nghiệm thú vị và đầy ý nghĩa.
Không chỉ vinh dự là một trong 306 "đại biểu" đội viên, thiếu nhi tiêu biểu từ khắp mọi miền đất nước, Khôi Nguyên còn xuất sắc vượt qua các vòng phỏng vấn để đảm nhận vai trò Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trả lời chất vấn tại phiên họp.
Tại phiên thảo luận tổ giả định ngày 28/9 về chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường", Khôi Nguyên đã đặt ra vấn đề chăm sóc trẻ em tại các tỉnh miền Trung khi cha mẹ đi xuất khẩu lao động. Cậu nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng môi trường gia đình quây quần, cha mẹ gần gũi, tình cảm và là tấm gương cho con cái.
Về phòng chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích trong môi trường học đường, Khôi Nguyên đề xuất phát triển một trò chơi mô phỏng, giúp học sinh hiểu rõ tác hại của thuốc lá đối với cơ thể, và nhấn mạnh rằng không nên thử chất kích thích dù chỉ một lần.
Trong phiên chất vấn ngày hôm sau, một đại biểu đã đặt câu hỏi: "Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện những giải pháp gì để giải quyết vấn đề bạo lực học đường khi một bộ phận lớn học sinh vẫn đang ở độ tuổi trẻ em?"
Khôi Nguyên trả lời: "Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tiếp nhận ý kiến từ các em. Khi gặp vấn đề tâm lý có thể dẫn đến bạo lực học đường, các em có thể liên hệ tổng đài hoặc thông qua kênh thông tin của Trung ương Đoàn để được hỗ trợ và giải tỏa".
Theo Bộ trưởng giả định, trong các trường hợp bạo lực người lớn gây ra với trẻ em hoặc những vụ việc bạo lực liên quan đến trẻ em, Bộ sẽ lên tiếng để yêu cầu cơ quan chức năng ở địa phương và nhà trường kịp thời giải quyết, đồng thời nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với những vấn đề này. Ngoài ra, Bộ sẽ tích cực tham gia vào việc tư vấn tâm lý cho trẻ em, nâng cao hiệu quả hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của bạo lực, bao gồm bạo lực học đường và bạo lực gia đình.
"Bộ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường bố trí chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia tâm lý để các em có thể tìm đến khi cần thiết", Nguyên cho biết thêm.
Nguyên chia sẻ rằng em nhận được sự ủng hộ từ các đại biểu và bạn bè tại hội trường. Em cũng quay sang và thấy nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mỉm cười nhìn mình, điều đó khiến em rất vui.
"Quốc hội trẻ em" được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2023, là diễn đàn để học sinh thể hiện tiếng nói của mình, đồng thời tạo cơ hội cho các em tập dượt sinh hoạt chính trị. Đây là một mô hình mới, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề phù hợp với tâm lý và khả năng của mình, đồng thời phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến liên quan đến các vấn đề xã hội.