Xã hội

Cầu dây văng hơn 7.000 tỷ đồng từng lớn nhất Việt Nam: Dây cáp nặng 800 tấn, chịu được động đất cấp 8

Thái Hà 22/01/2025 - 07:00

Cây cầu này không chỉ là niềm tự hào của Quảng Ninh mà còn là biểu tượng cho sự làm chủ công nghệ của kỹ sư Việt Nam.

Một phần của cao tốc đắt giá nhất cả nước

Dự án cao tốc Hải Phòng - Hạ Long được khởi công xây dựng vào năm 2014 và chính thức thông xe vào năm 2018. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên tại Việt Nam do Chính phủ giao cho địa phương tự đầu tư, với nguồn vốn kết hợp từ ngân sách và hình thức đối tác công tư (PPP).

Mặc dù chỉ có chiều dài 24,6km, tổng vốn đầu tư cho cao tốc Hải Phòng - Hạ Long lên tới gần 13.700 tỷ đồng, đưa tuyến đường này trở thành cao tốc đắt đỏ nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với chi phí bình quân khoảng 557 tỷ đồng mỗi km.

Dự án được chia ra 2 dự án thành phần, trong đó khoảng hơn 6.400 tỷ đồng (ngân sách địa phương) để xây dựng cao tốc từ Hạ Long đến cầu Bạch Đằng dài 19,3km; còn lại gần 7.300 tỷ đồng (BOT) để xây dựng cầu Bạch Đằng. Vì thế, sau khi cộng với cầu Bạch Đằng, tổng vốn đầu tư của cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đã tăng lên khá nhiều.

Cầu dây văng hơn 7.000 tỷ đồng từng lớn nhất Việt Nam: Dây cáp nặng 800 tấn, chịu được động đất cấp 8 - ảnh 1
Một đoạn thuộc cao tốc Hải Phòng - Hạ Long. Ảnh: Báo Giao thông

Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long giúp rút ngắn khoảng cách giữa hai thành phố từ 70km xuống còn 55km, giảm thời gian di chuyển từ 1,5 giờ xuống chỉ khoảng 1 giờ. Dự án này không chỉ hoàn thiện tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) mà còn giảm tải lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 10 và Quốc lộ 18A.

Đặc biệt, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long giảm xuống chỉ còn hơn 2 giờ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ du lịch tại Hạ Long. Lượng khách du lịch tăng đột biến sau khi tuyến cao tốc chính thức đi vào hoạt động.

Cây cầu của những kỷ lục, công nghệ mới

Cầu dây văng hơn 7.000 tỷ đồng từng lớn nhất Việt Nam: Dây cáp nặng 800 tấn, chịu được động đất cấp 8 - ảnh 2
Toàn cảnh cầu Bạch Đằng. Ảnh: VCNet

Cầu Bạch Đằng đưa vào khai thác từ tháng 9/2018, là dự án mở đầu cho chuỗi công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh.

Cầu có điểm đầu là phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng, nút giao cuối tuyến là xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Công trình được thiết kế với hệ thống cáp dây văng, nhằm đảm bảo lực nâng, mỗi trụ cầu được bố trí 48 bó cáp, tương đương 144 bó tổng cộng. Khối lượng lắp đặt dây cáp trên cầu Bạch Đằng là hơn 800 tấn.

Cầu dài gần 3km, với tổng chiều dài dự án (bao gồm đường dẫn) là 5km. Mặt cầu rộng 25m, được thiết kế cho bốn làn xe với vận tốc tối đa 100km/h. Cầu sử dụng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m, đáp ứng khả năng chịu động đất cấp 8.

Cầu dây văng hơn 7.000 tỷ đồng từng lớn nhất Việt Nam: Dây cáp nặng 800 tấn, chịu được động đất cấp 8 - ảnh 3
Cầu Bạch Đằng là cây cầu “made in Việt Nam” - một minh chứng cụ thể và rõ ràng về tinh thần tự lực, tự cường, về khả năng làm chủ công nghệ và thi công cầu đường của người Việt Nam. Ảnh: Báo Chính phủ

Điểm nhấn nổi bật của cầu Bạch Đằng là ba trụ tháp hình chữ "H", tượng trưng cho sự kết nối chặt chẽ giữa ba trung tâm kinh tế lớn ở phía Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Trụ tháp giữa cao 99,74m, hai trụ tháp hai bên cao 94,5m, hỗ trợ bốn nhịp dây văng liên tục.

Công trình này lần đầu tiên áp dụng công nghệ xe đúc dầm chạy dưới đặc biệt, với chiều dài đốt đúc lên đến 9,6m và tải trọng 465 tấn, do nhà thầu VSL (Thụy Sĩ) thiết kế và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, VSL còn cung cấp lắp đặt hệ thống gối cầu, khe co giãn của cầu chính, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi sức khỏe của cầu dây văng trong quá trình thi công và khai thác...

Cầu dây văng hơn 7.000 tỷ đồng từng lớn nhất Việt Nam: Dây cáp nặng 800 tấn, chịu được động đất cấp 8 - ảnh 4
Cầu Bạch Đằng có ba trụ tháp, bốn nhịp cầu dây văng. Ảnh: trungnamgroup

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, tại thời điểm khánh thành, cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam. Công trình này từng đứng thứ 3 trong số 7 cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới.

Đây cũng là một trong những cây cầu dây văng có tính chất phức tạp nhất với bốn nhịp dây văng liên tục, nhưng lại hạn chế chiều cao tháp, nên góc nghiêng dây văng rất nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp hơn những cầu dây văng khác.

Cầu Bạch Đằng không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ninh mà còn là niềm tự hào của những người kỹ sư cầu đường khi cây cầu này 100% kỹ sư Việt Nam làm chủ công nghệ cũng như thi công. Đây cũng là dự án tiêu biểu cho sự thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc kêu gọi vốn tư nhân kết hợp với nguồn vốn ngân sách trong giải phóng mặt bằng.

>> Cầu vượt biển 250 tỷ đồng ‘nối đôi bờ thương nhớ’, rút ngắn quãng đường hơn 30km xuống vài trăm mét

Chỉ vài tháng nữa, dòng sông ‘cõng’ nhiều cầu vượt nhất Việt Nam sẽ khởi công thêm một cây cầu trị giá 16.000 tỷ đồng

Sẽ có thêm 9 cây cầu bắc qua con sông đi qua 9 tỉnh, thành của Việt Nam

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/cau-day-vang-hon-7000-ty-dong-tung-lon-nhat-viet-nam-day-cap-nang-800-tan-chiu-duoc-dong-dat-cap-8-135257.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cầu dây văng hơn 7.000 tỷ đồng từng lớn nhất Việt Nam: Dây cáp nặng 800 tấn, chịu được động đất cấp 8
    POWERED BY ONECMS & INTECH