Cầu vòm thép vượt sông 6.600 tỷ rộng nhất Việt Nam, có thể gánh động đất cấp 8 với 3.000 tấn vòm thép được lắp đặt theo cách chưa từng có
Đây là cây cầu vòm ống thép nhồi bê tông đầu tiên ở Việt Nam và là một trong những cây cầu góp phần giảm tải giao thông cho Hà Nội.
Cầu Đông Trù là cây cầu vòm ống thép nhồi bê tông nối từ xã Đông Hội, huyện Đông Anh sang phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội). Khi đưa vào sử dụng, cầu Đông Trù đã góp phần đáng kể vào việc giảm tải giao thông giữa hai bên bờ sông Đuống, cũng như của Thủ đô.
Được khởi công xây dựng từ năm 2006, sau 8 năm thi công, cầu được khánh thành vào ngày 9/10/2014. Dự án có tổng mức đầu tư của dự án là hơn 6.600 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Từ thời điểm xây dựng cho đến nay, cầu Đông Trù vẫn được mệnh danh là cây cầu vòm sắt - kết cấu bê tông lớn nhất Việt Nam. Công trình này là hạng mục quan trọng nhất thuộc dự án Đường 5 kéo dài, là một trong 37 công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2011-2015.
Cầu Đông Trù có chiều dài 1.240m, trong đó cầu chính dài 500m. Cầu có 3 nhịp chính, 2 nhịp bên có chiều dài là 80 m và nhịp giữa dài 120 m; bề rộng mặt cầu 54,5 m. Cầu có kết cấu nhịp liên tục, ứng dụng công nghệ vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Cầu có khả năng chịu được động đất cấp 8.
Phần trên của cầu gồm 3.000 tấn vòm thép, 94 dầm ngang, 176 dầm dọc, 2.324 phiến dầm bản và 2.400 khối bê tông nhồi trong vòm thép… Kết cấu phần dưới cầu là một trong những dấu ấn về công nghệ của dự án này, gồm 4 trụ, với 216 cọc khoan nhồi đường kính 2 m, độ sâu 40 - 60 m, thân trụ đặc.
Để có thể nâng vòm thép hợp long cầu, đơn vị chịu trách nhiệm thi công đã dùng hệ kích nâng lên từ mặt sông đến điểm hợp long 42 m. Đây là phương pháp lắp đặt vòm thép chưa từng được thi công ở Việt Nam. Khó khăn lớn nhất trong quá trình lắp vòm, lao dầm là đòi hỏi khắt khe về kiểm soát cao độ của đỉnh sườn vòm, lực căng cáp giằng và chuyển vị chân vòm. Tất cả công đoạn phải chính xác tuyệt đối bởi với nhịp liên tục, nếu nâng sai một nhịp sẽ kéo theo các nhịp khác, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Sau gần 10 năm sử dụng, cầu Đông Trù cũng đã có dấu tích của thời gian nhưng vẫn có nhiều nét thiết kế đặc biệt hiếm thấy trên các cây cầu khác. Cầu là công trình này có nhiều làn đường. Ngoài cùng 2 bên là đường cho người đi bộ, tiếp đó là làn đường dành cho xe máy và trong cùng là những làn cho xe ô tô. Công trình này cũng đánh dấu sự thay đổi về tư duy của thành phố khi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại.
Từ khi cầu Đông Trù đi vào hoạt động, đã giúp việc di chuyển giữa 2 bờ sông Hồng, sông Đuống trở nên thuận tiện. Cầu giúp rút ngắn quãng đường đi từ các tỉnh phía Đông Hà Nội đến sân bay Nội Bài với mạng lưới giao thông đồng bộ trục Vành đai 2. Cụ thể bao gồm quốc lộ 5 kéo dài, cầu Nhật Tân và tuyến đường từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân. Phương tiện đi từ Hải Phòng sẽ dễ dàng đến thẳng sân bay Nội Bài.
Thời gian di chuyển từ cầu Chương Dương đến cầu Đông Trù chỉ vào khoảng 10 phút, từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Đông Trù khoảng 12 phút, từ đường Võ Chí Công đến cầu Đông Trù chỉ khoảng 20 phút, từ sân bay Nội Bài đến cầu Đông Trù vào khoảng 30 phút.
Ngoài ra, cầu Đông Trù còn là trục giao thông chính phục vụ cho các khu công nghiệp, khu đô thị phía bắc sông Hồng. Đi cầu Đông Trù giúp giảm áp lực giao thông liên tỉnh theo hướng Hải Phòng lên sân bay Nội Bài và các tỉnh phía Tây Bắc.
Cầu vòm thép đầu tiên tại tỉnh Quảng Ngãi đã thành hình đẹp mắt, ngày 'về đích' không còn xa