CEO ASML: Thế giới vẫn cần những con chip 'cũ kỹ' của Trung Quốc
Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất chip "cũ" với 18 dự án mới dự kiến hoạt động trong năm nay.
Fortune cho hay, “dư thừa  công suất” là cụm từ được các Chính phủ phương Tây sử dụng gần đây để chỉ trích chính sách sản xuất của Trung Quốc.
Họ cho rằng Trung Quốc  đang sản xuất nhiều hơn mức tiêu thụ trong nước và bán phá giá các sản phẩm dư thừa ra thị trường nước ngoài.
Thuật ngữ này được áp dụng cho cả xe điện, tấm pin mặt trời và loại chip "cũ" đang được sử dụng trong mọi thứ, từ ô tô đến thiết bị điện tử tiêu dùng của Trung Quốc.
Tuy nhiên Christophe Fouquet, CEO của công ty bán dẫn Hà Lan ASML, lại có quan điểm khác. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Handelsblatt của Đức, Fouquet cho rằng thế giới cần những con chip máy tính thế hệ cũ được sản xuất từ Trung Quốc.
Theo ông, nhu cầu đối với các linh kiện này đang tăng lên, nhưng các nhà sản xuất chip không muốn mở rộng sản xuất do lợi nhuận thấp.
Vị CEO nói: “Châu Âu thậm chí không thể đáp ứng được một nửa số chip mà họ cần. Không có ích gì khi ngăn cản ai đó sản xuất thứ bạn cần. Với khí đốt của Nga, mọi người hiểu rằng phải tìm ra giải pháp thay thế, nhưng chip thì chưa”.
Hiện tại, các nền kinh tế như Đức, Mỹ và Nhật Bản đang đưa ra các khoản trợ cấp để thu hút những nhà sản xuất chip thiết lập hoạt động trong nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là vượt trội hơn tất cả. Theo hiệp hội thương mại quốc tế SEMI của Mỹ, nước này sẽ có 18 dự án chip bắt đầu hoạt động trong năm nay đối với các loại chip lâu đời, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Fouquet ước tính rằng Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ khoảng 1 thập kỷ về công nghệ chip.
Được biết, ASML - nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip số 1 thế giới - đã bị cấm bán các thiết bị máy móc tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc. Ngay cả những công cụ kém tiên tiến hơn của họ hiện cũng nằm trong tầm ngắm của Washington.
Các nhà phân tích nói rằng những biện pháp kiểm soát chip của Mỹ có thể đang thúc đẩy các công ty Trung Quốc hoạt động tích cực hơn trong lĩnh vực chip truyền thống.
Ngoài việc cố gắng tự bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt tiếp theo, họ cũng có thể coi việc sản xuất chip kém tiên tiến hơn là bước đệm để tiến lên chuỗi giá trị và thay thế công nghệ phương Tây.
Nhưng Fouquet nhận định rằng quốc gia này sẽ gặp khó khăn trong việc tái tạo các máy in thạch bản cực tím của ASML, hiện là cách duy nhất để tạo ra những con chip tiên tiến nhất.
ASML là công ty công nghệ lớn nhất châu Âu và cũng là công ty duy nhất hiện nay có máy khắc quang học cực tím (EUV) dùng để sản xuất hàng loạt loại chip tiên tiến nhất thế giới
Theo Fortune
>> Tám ông lớn Nhật Bản chi hơn 30 tỷ USD để giành lại vị thế dẫn đầu ngành chip
Giới trẻ Trung Quốc chuộng nghỉ việc tạm thời để đi du lịch 'chữa lành' dù 'trắng tay' 
Trung Quốc phát triển radar mới 'có thể phát hiện 10 tên lửa siêu thanh ở tốc độ Mach 20'