Thế giới

Tám ông lớn Nhật Bản chi hơn 30 tỷ USD để giành lại vị thế dẫn đầu ngành chip

Thiên Kim 10/07/2024 - 15:30

Nhật Bản đang thực hiện các bước quyết liệt để giành lại vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp chip.

Nikkei Asia đưa tin, các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của Nhật Bản, bao gồm tập đoàn Sony và Mitsubishi Electric, đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 5 nghìn tỷ yên (31 tỷ USD) cho đến năm 2029 để đẩy mạnh sản xuất các thiết bị điện nguồn và cảm biến hình ảnh.

Tờ Nikkei đã tổng hợp kế hoạch đầu tư vốn cho giai đoạn 2021 - 2029 của 8 nhà sản xuất chip hàng đầu Nhật Bản. Họ là Sony, Mitsubishi Electric, Rohm, Toshiba, Kioxia Holdings, Renesas Electronics, Rapidus và Fuji Electric.

Với mục tiêu vực dậy ngành công nghiệp chip trong nước, những doanh nghiệp này sẽ tăng cường đầu tư vào chất bán dẫn điện, cảm biến và chip logic. Tất cả đều được coi là công nghệ cốt lõi trong các ngành như AI, khử carbon và xe điện.

Tám ông lớn Nhật Bản chi hơn 30 tỷ USD để giành lại vị thế dẫn đầu ngành chip - ảnh 1
Nhật Bản mong muốn trở thành quốc gia dẫn đầu về chip tiên tiến cho AI và xe điện. Ảnh: Nikkei Asia

Theo khảo sát của Bộ Tài chính Nhật Bản, vốn đầu tư vào lĩnh vực thiết bị truyền thông, bao gồm sản xuất chất bán dẫn, đã tăng 30% trong 5 năm lên 2,1 nghìn tỷ yên trong năm tài chính 2022.

Thị phần bán dẫn của các nhà sản xuất chip đã tăng từ 11% lên 13% trong cùng kỳ, trở thành ngành chi tiêu lớn thứ 3 sau máy móc vận tải ở mức 15% và hóa chất ở mức 14%.

Theo Nikkei Asia, Tập đoàn Sony đang đầu tư khoảng 1,6 nghìn tỷ yên từ năm tài chính 2021 đến năm tài chính 2026, với kế hoạch tăng cường sản xuất cảm biến hình ảnh.

Nhu cầu về camera trên điện thoại thông minh và các sản phẩm khác đang rất lớn và các ứng dụng của nó dự kiến sẽ mở rộng sang xe tự lái cũng như thiết bị giám sát nhà máy và cửa hàng.

Nhằm mở rộng thị trường cho trung tâm dữ liệu AI và xe điện, các khoản đầu tư vào các thiết bị nguồn điều khiển điện năng đang được tăng tốc, trong đó Toshiba và Rohm đầu tư tổng cộng khoảng 380 tỷ yên.

Cụ thể, Toshiba sẽ tăng công suất sản xuất các thiết bị điện silicon tại một nhà máy ở tỉnh Ishikawa, còn Rohm sẽ đẩy mạnh sản xuất các thiết bị điện silicon cacbua (SiC) tiết kiệm năng lượng tại một nhà máy ở tỉnh Miyazaki.

Tám ông lớn Nhật Bản chi hơn 30 tỷ USD để giành lại vị thế dẫn đầu ngành chip - ảnh 2
Các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản đang đầu tư 31 tỷ USD vào ngành bán dẫn. Ảnh: Nikkei Asia

Mitsubishi Electric cũng đang chú trọng tăng công suất sản xuất thiết bị điện SiC lên gấp 5 lần trong năm tài chính 2026 so với năm tài chính 2022. Công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 100 tỷ yên vào một cơ sở mới ở thành phố Kumamoto.

Chủ tịch kiêm CEO Kei Uruma cho biết: “Chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống có thể cạnh tranh với gã khổng lồ trong ngành là Infineon Technologies của Đức”.

Cho đến năm 1988, Nhật Bản vẫn nắm giữ 50% thị phần chất bán dẫn thế giới, nhưng từ những năm 1990 trở đi, các công ty Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã vươn lên dẫn đầu nhờ đầu tư mạnh mẽ cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Bị tụt lại trong cuộc đua đầu tư, các công ty Nhật Bản lần lượt rút lui khỏi việc phát triển công nghệ tiên tiến vào đầu những năm 2000, khiến thị phần của họ vào năm 2017 giảm xuống dưới 10%.

Vào khoảng năm 2020, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ định chất bán dẫn là vật liệu quan trọng cho an ninh kinh tế.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 càng làm tăng thêm nhu cầu đảm bảo năng lực sản xuất trong nước cho chất bán dẫn - yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp kỹ thuật số tại một quốc gia.

Tám ông lớn Nhật Bản chi hơn 30 tỷ USD để giành lại vị thế dẫn đầu ngành chip - ảnh 3
Nhật Bản quyết tâm giành lại vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng. Ảnh: Nikkei Asia

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này dự định tăng doanh số bán chất bán dẫn sản xuất trong nước, bao gồm cả chip do các công ty nước ngoài như TSMC sản xuất, lên hơn 15 nghìn tỷ yên vào năm 2030 - gấp 3 lần so với năm 2020.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã chuẩn bị 3,9 nghìn tỷ yên trợ cấp từ năm tài chính 2021 đến năm tài chính 2023, trong đó 3 nghìn tỷ yên được phân bổ cho các công ty chip lớn ở cả Nhật Bản và nước ngoài.

Con số 3,9 nghìn tỷ yên này được coi là khoản tiền trợ cấp lớn nhất trong số các nước phát triển xét theo tỷ lệ phần trăm trong GDP.

Ngoài ra, trong số 5 nghìn tỷ yên đầu tư hiện đang được lên kế hoạch, Chính phủ sẽ hỗ trợ khoảng 1,5 nghìn tỷ yên.

Theo công ty nghiên cứu Omdia của Anh, thị phần bán hàng của các nhà sản xuất chất bán dẫn có trụ sở tại Nhật Bản vào năm 2023 đạt 8,68% - tăng 0,03 điểm so với năm 2022, đánh dấu mức tăng đầu tiên sau 7 năm.

Akira Minamikawa, nhà phân tích cấp cao tại Omdia, bình luận: “Với khoản đầu tư có quy mô lớn nhất trong lịch sử, khối lượng sản xuất chất bán dẫn của các công ty Nhật Bản sẽ duy trì đà tăng trưởng và thị phần của họ sẽ phục hồi từ năm 2024 trở đi”.

Theo Nikkei Asia

>> Chip AI giúp gã khổng lồ ngành bán dẫn TSMC phá mốc 1.000 tỷ USD vốn hóa

‘Gã khổng lồ’ chip Nvidia từng suýt bị bán cho AMD, thương vụ 'đổ bể' vì Jensen Huang kiên quyết muốn làm CEO

Nhật Bản có 'mỏ vàng' tỷ đô từ khủng hoảng dân số, tã người lớn bán chạy hơn cả tã trẻ em

Theo Kinh tế Đô thị
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tam-ong-lon-nhat-ban-chi-hon-30-ty-usd-de-gianh-lai-vi-the-dan-dau-nganh-chip-123949.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tám ông lớn Nhật Bản chi hơn 30 tỷ USD để giành lại vị thế dẫn đầu ngành chip
    POWERED BY ONECMS & INTECH