Chậm tiến độ hơn 13 năm, Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đội vốn hơn 16.000 tỷ đồng

28-03-2022 10:09|Hà Thanh

Tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đến nay đã chậm tiến độ hơn 13 năm, đội vốn khoảng hơn 16.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do UBND Hà Nội phê duyệt ngày tháng 11/2008 với tổng mức đầu tư là 19.555 tỷ đồng. Sau nhiều lần chậm trễ, năm 2019, UBND Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tổng mức đầu tư xin phê duyệt điều chỉnh là 35.678 tỷ đồng (tăng 82% so với ban đầu).

Tuyến có tổng chiều dài 11,5km, trong đó có 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao, công trình này sẽ chạy qua địa bàn các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, bao gồm 10 ga với 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được khởi công, trong khi hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản đã hết hạn từ tháng 7/2019 (dù đã được gia hạn một lần) và chưa được ký hiệp định thay thế.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, dự án chậm triển khai liên quan đến trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Nghị định 56/2020 về quản lý và sử dụng vốn ODA.

Bên cạnh đó, một vướng mắc then chốt của tuyến này là do những ý kiến trái chiều về vị trí ga ngầm C9 ảnh hưởng đến di tích Hồ Hoàn Kiếm. Phương án ga này chưa được đơn vị chức năng phê duyệt dẫn đến dự án không thể khởi công.

Sau rất nhiều tranh cãi cùng với việc đưa ra các phương án thiết kế ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm, vừa qua, vào ngày 23/3/2022, UBND Hà Nội đã thống nhất phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9.

Theo đó, phương án ga ngầm C9 được đưa ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ UBND TP Hà Nội, với thiết kế 4 tầng, chiều sâu 31m đã được lựa chọn. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 đến C10 theo phương án này là hơn 4.310 tỷ đồng.

Trước đó dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng chỉ mới được bàn giao khai thác vào đầu tháng 11/2021 sau hơn 10 năm thi công, chậm tiến độ hơn 6 năm so với mục tiêu ban đầu hoàn thành dự án vào năm 2015.

Đáng chú ý, tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng tăng thêm hơn 9.230 tỷ đồng mức đầu tư ban đầu, tức từ gần 8.770 tỷ đồng lên thành hơn 18.000 tỉ đồng.

Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam dự kiến khởi công tuyến đường sắt đô thị hơn 35.000 tỷ đồng ngay trong năm sau

Metro số 2 Hà Nội 'nằm trên giấy' suốt 15 năm, tiến độ dự án đến nay có chuyển biến mới

Bài thuộc chủ đề Xây dựng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cham-tien-do-hon-13-nam-du-an-duong-sat-do-thi-nam-thang-long-tran-hung-dao-doi-von-hon-16000-ty-dong-124010.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chậm tiến độ hơn 13 năm, Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đội vốn hơn 16.000 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH