Chân dung nữ CEO Kinh Bắc: 'Người làm thuê' thu nhập cao nhất Việt Nam, đưa công ty của ông Đặng Thành Tâm vượt khủng hoảng
Bà Hương đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại Kinh Bắc (KBC) thời điểm công ty đang đối mặt khủng hoảng do vay nợ lớn dưới thời ông Đặng Thành Tâm. Giá cổ phiếu khi ấy xuống thấp nhất lịch sử.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương , Tổng Giám đốc (CEO) Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (HoSE: KBC ), nhận thu nhập 17 tỷ đồng trong năm 2023, trở thành CEO có thu nhập cao nhất trong các công ty đại chúng tại Việt Nam.
Mức thu nhập của bà Hương cao hơn nhiều so với mức trung bình 2,5 tỷ đồng của CEO 200 công ty lớn nhất thị trường, vượt qua nhiều tên tuổi khác như CEO Masan - ông Danny Le  (14,7 tỷ đồng), CEO Vinhomes - bà Nguyễn Thu Hằng  (13,9 tỷ đồng), CEO Vingroup - ông Nguyễn Việt Quang  (11,1 tỷ đồng)...
Cần lưu ý, thu nhập được tính ở đây chưa bao gồm ESOP, cổ tức, cổ phiếu thưởng, cũng như các lợi ích khác như nhà ở, học phí cho con, bảo hiểm gia đình, và hạn mức đi lại.
Chân dung CEO Kinh Bắc - Nguyễn Thị Thu Hương
Hình ảnh bà Nguyễn Thị Thu Hương |
Bà Nguyễn Thị Thu Hương sinh năm 1971, có bằng Tiến sĩ Kinh tế và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, thành thạo tiếng Trung và tiếng Anh. Bà gắn bó với Kinh Bắc từ những ngày đầu thành lập và được bầu là thành viên HĐQT vào ngày 27/4/2012, đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc vào ngày 22/11/2022.
Kinh Bắc miêu tả bà Nguyễn Thị Thu Hương nắm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của Tập đoàn, từ đó chèo lái Tập đoàn vượt qua những năm tháng khủng hoảng. Bà có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao và đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến đầu tư với các tập đoàn lớn cũng như kiểm soát hoạt động kinh doanh tại từng khu công nghiệp (KCN). Trong cách điều hành, nữ CEO chú trọng đến tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và sự đoàn kết.
Mặc dù nắm giữ vị trí quan trọng, nhưng bà Hương thuần là "người làm thuê" do chỉ sở hữu 399.304 cổ phiếu KBC (chiếm 0,052% cổ phần). Tại thời điểm ngày 6/9, số cổ phần này có giá trị 11 tỷ đồng, trong khi vốn hóa của Kinh Bắc là 20.342 tỷ đồng.
Nữ CEO có mức lương cao nhất Việt Nam được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba của Chủ tịch nước; nhiều lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bà cũng là đại diện tham gia các hội nghị như Hội nghị những nhà lãnh đạo trẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị Nữ Doanh nhân Châu Á và Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng.
"Đắt xắt ra miếng"
Ông Tâm và bà Hương tạo dấu ấn rõ nét trong 2 giai đoạn phát triển của Kinh Bắc |
Kinh Bắc gắn liền với tên tuổi của ông Đặng Thành Tâm , người đã dẫn dắt công ty trong giai đoạn Bắc tiến. Trước đó, ông Tâm làm CEO tại Tân Tạo (ITA ), công ty bất động sản khu công nghiệp hàng đầu phía Nam, do chị ruột là bà Đặng Thị Hoàng Yến sáng lập.
Giai đoạn 2007 - 2012, ông Tâm trực tiếp làm Tổng Giám đốc Kinh Bắc. Thời điểm đầu, công ty phát triển mạnh mẽ với việc được Thủ tướng giao đầu tư nhiều KCN lớn và thực hiện các thương vụ M&A như: KCN Quế Võ (312ha, sau mở rộng thêm 300ha), KCN Quang Châu (426ha), KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (402ha), KCN Tân Phú Trung (590ha)... Công ty cũng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng, năng lượng, khoáng sản, và viễn thông. Năm 2010, Kinh Bắc ghi nhận khoản lãi 1.110 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2013, thị trường gặp khó khăn, đặc biệt là trong huy động vốn. Khoản nợ vay lớn dù giúp Kinh Bắc phát triển nhanh chóng thời điểm đầu nay lại trở thành gánh nặng.
Năm 2012, doanh thu của Kinh Bắc chỉ đạt 281 tỷ đồng, trong khi lãi tài chính phải trả lên đến 345 tỷ đồng. Công ty báo lỗ 484 tỷ đồng vào cuối năm 2012 và tổng dư nợ vay lên đến 4.018 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu, đồng thời đối mặt với 3.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2014.
Hình ảnh Đặng Thành Tâm "đầu 2 thứ tóc" trả lời phỏng vấn năm 2012: "Tôi muốn trở về thời xưa vì thời đó nợ rất ít, không phải lo trả nợ" |
Vào cuối năm 2012, ông Đặng Thành Tâm rời vị trí Tổng Giám đốc và chuyển giao cho bà Nguyễn Thị Thu Hương. Dưới sự điều hành của bà Hương, Kinh Bắc bước vào giai đoạn tái cấu trúc quan trọng. Công ty đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước về việc lùi thời hạn thanh toán để tái cấu trúc nợ, đồng thời thực hiện thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là mảng năng lượng, bao gồm việc bán cổ phần tại các dự án như Thủy điện Sông Tranh 4, Thủy Điện SGI - Lào, và Năng lượng Sài Gòn - Bình Định.
Ngoài ra, Kinh Bắc cũng thanh lý các khoản đầu tư tại một số doanh nghiệp bất động sản chưa phát sinh doanh thu, chẳng hạn như CTCP Địa ốc Nam Việt, CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn - Dung Quất, và CTCP Hạ tầng Sài Gòn - Cà Mau.
Nguồn: Tổng hợp |
Ngay sau khi bà Nguyễn Thị Thu Hương tiếp quản, Kinh Bắc ghi nhận lợi nhuận 79 tỷ đồng vào năm 2012 và duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định trong 12 năm tiếp theo (trừ năm 2020 do Covid-19). Năm 2023, công ty đạt lợi nhuận kỷ lục 2.245 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, nợ vay của Kinh Bắc được kiểm soát ở mức 3.659 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu 20.221 tỷ đồng. Công ty hiện sở hữu 6.610,82ha đất KCN, chiếm 5,09% tổng quỹ đất KCN cả nước. Trong năm 2024, Kinh Bắc đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất KCN thêm 3.500ha và bổ sung 650ha đất đô thị.
Cổ phiếu KBC chạm đáy vào tháng 11/2012, trùng thời điểm chuyển giao vị trí CEO, ở mức 3.440 đồng/cp. Kết phiên ngày 6/9/2024, thị giá KBC đạt 26.500 đồng/cp, tăng 670% sau gần 12 năm, vốn hóa công ty đạt 20.341 tỷ đồng.
>> CEO các công ty đại chúng thu nhập trung bình 2,5 tỷ đồng/năm, 'nữ tướng' Kinh Bắc đứng đầu