Tổng số tiền huy động dự kiến gần 1.700 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) dùng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) vừa thông báo kết quả chào bán 162 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng/cp.
Danh sách nhà đầu tư tham gia gồm 2 tổ chức là Công ty TNHH Glory Land, CTCP Quản lý quỹ Việt Cát và 7 cá nhân (trong đó 5 cá nhân là cổ đông của HAGL).
Theo đó, đợt chào bán bất thành do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán nên các nhà đầu tư đã từ chối mua. Cụ thể, cổ phiếu HAG được giao dịch quanh mức 7.500 - 8.100 đồng/cp, thấp hơn 28% so với mức giá chào bán.
Theo kế hoạch, tổng số tiền dự kiến huy động dự kiến gần 1.700 tỷ đồng, HAG sẽ dùng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.
Trong đó, Công ty sẽ trích gần 800 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai nhằm phục vụ hoạt động mua bán vật tư nông nghiệp, trái cây, thức ăn chăn nuôi... Kế nữa là sử dụng gần 400 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay với công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang, để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại huyện Chư Sê, Đăk Pơ, Đăk Đoa, Chư Prong (tỉnh Gia Lai). Cuối cùng, HAG sẽ dành 500 tỷ đồng còn lại để trả nợ gốc đối với trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016.
Tuy nhiên, do không hoàn thành đợt chào bán riêng lẻ trong thời gian quy định, vì vậy, HĐQT HAG đã thông qua phương án bù đắp thiếu hụt vốn.
Cụ thể, Công ty sẽ giữ nguyên quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh. Năm 2023, HAG sẽ tiếp tục duy trì quy mô 7.000 ha chuối và 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi 600 ngàn con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái, mỗi con heo nái sinh khoảng 25 con heo thịt mỗi năm).
Đồng thời, HAG sử dụng dòng tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, vay vốn ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khi để đảm bảo thực hiện kế hoạch theo phương án đầu tư sản xuất mà ĐHĐCĐ Công ty đã đề ra.
Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ sử dụng nguồn tiền từ việc thu hồi nợ nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và từ hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời để thanh toán nợ gốc trái phiếu trong thời gian quy định.
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ vay của HAG ở mức 8.166 tỷ đồng, giảm gần 121 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, trái phiếu chiếm phần lớn với dư nợ ngắn hạn và dài hạn lần lượt hơn 2.058 tỷ đồng và 3.681 tỷ đồng.
Vay 9.600 tỷ đồng, ai đang là chủ nợ lớn nhất của HAGL Agrico (HNG)? 
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HAGL (HAG)