Microsoft Copilot, chatbot AI của Microsoft, nay có thể soạn các bài hát nhờ tích hợp với ứng dụng nhạc Suno.
Người dùng có thể nhập lời nhắc (prompt) vào Copilot như “Viết một bài nhạc pop về hành trình với gia đình” và Suno sẽ đưa ý tưởng đó thành hiện thực. Từ một câu duy nhất, Suno sẽ soạn một bài hát hoàn chỉnh – bao gồm lời, nhạc cụ và giọng hát.
Để truy cập Suno, chỉ cần mở trình duyệt Microsoft Edge, ghé thăm Copilot.Microsoft.com, đăng nhập bằng tài khoản Microsoft và kích hoạt plug-in Suno hoặc bấm vào logo Suno.
Trong blog, Microsoft tin rằng quan hệ hợp tác mới sẽ mở ra “chân trời sáng tạo và thú vị”, giúp ai cũng có thể sáng tạo âm nhạc.
Các hãng công nghệ từ lớn đến nhỏ đang tăng cường đầu tư vào công nghệ sáng tác nhạc bằng AI tạo sinh (GenAI). Hồi tháng 11, phòng thí nghiệm DeepMind của Google và YouTube hợp tác ra mắt Lyria – mô hình GenAI dành cho âm nhạc và Dream Track – công cụ tạo giai điệu AI trong YouTube Shorts.
Meta đã công bố một số thử nghiệm với sáng tác nhạc bằng AI. Các ứng dụng và nền tảng viết nhạc và hiệu ứng từ prompt đã ra đời.
Dù vậy, nhiều vấn đề đạo đức và pháp lý xoay quanh nhạc AI cũng xuất hiện. Thuật toán AI “học hỏi” từ âm nhạc có sẵn để sản xuất hiệu ứng tương tự.
Bản thân người đứng đầu bộ phận âm thanh GenAI của startup Stability AI đã nghỉ việc sau khi tuyên bố AI “lợi dụng các tác giả”. Giải thưởng âm nhạc Grammy cũng cấm hoàn toàn các bài hát do AI sáng tác.
Nhiều công ty GenAI tranh luận họ không phải trả tiền cho những tác giả có tác phẩm được công khai, ngay cả khi chúng đã đăng ký bản quyền. Dù vậy, đây là địa hạt pháp lý vẫn chưa được khám phá.
Về phần mình, Suno không tiết lộ nguồn đào tạo AI trên website và cũng không cấm người dùng nhập vào các lời nhắc yêu cầu AI viết nhạc theo phong cách của nghệ sỹ cụ thể, khác với các công cụ âm nhạc GenAI khác.
Tuy nhiên, Suno khẳng định họ chặn một số lời nhắc nhất định, mô hình của nó không nhận diện tên nghệ sỹ và cấm người dùng tải lời của những bài hát đã có để tạo bản cover.
Tính pháp lý của âm nhạc do AI sáng tạo có thể được làm rõ trong thời gian tới. Theo một dự thảo của Thượng viện Mỹ, nghệ sỹ có quyền truy đòi khi dấu ấn kỹ thuật số của họ - bao gồm phong cách làm nhạc – bị sử dụng không xin phép.
(Theo TechCrunch)
10 sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 
FPT Japan cán mốc doanh thu nửa tỷ USD, lên kế hoạch lọt top công ty lớn ở Nhật vào năm 2027