Châu Âu 'săn lùng' nguồn năng lượng của tương lai, Mỹ là nhà cung cấp hàng đầu thế giới
Đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung từ Nga bị hạn chế và giá khí đốt có xu hướng biến động trong những năm tới, nhu cầu về loại nguyên liệu này được dự đoán tiếp tục tăng cao.
Tháng 12/2024 chứng kiến xuất khẩu LNG của Mỹ đạt gần mức kỷ lục với 8,5 triệu tấn, tăng mạnh nhờ hai nhà máy mới đi vào hoạt động. Với con số này, Mỹ tiếp tục duy trì vị thế là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, đón đầu nhu cầu toàn cầu tăng cao.
Dữ liệu từ LSEG cho thấy, sản lượng xuất khẩu tháng 12 chỉ kém mức cao nhất lịch sử 8,6 triệu tấn ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái và tăng 9% so với tháng 11. Cả năm 2024, Mỹ đã xuất khẩu tổng cộng 88,3 triệu tấn LNG, tăng 4,5% so với 2023 (84,5 triệu tấn).
Alex Munton, Giám đốc nghiên cứu khí đốt và LNG toàn cầu tại Rapidan Energy, nhận định: "Công suất mới, đặc biệt từ dự án Plaquemines, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định giá LNG toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung dự kiến thắt chặt hơn vào năm 2025".
Năm 2024, Mỹ đã xuất khẩu tổng cộng 88,3 triệu tấn LNG. Ảnh minh họa |
>> Trung Quốc ra lệnh cấm khoáng sản, Việt Nam đối mặt thách thức cùng cơ hội 
Châu Âu là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm 69% lượng xuất khẩu LNG của Mỹ trong tháng 12, tương đương 5,84 triệu tấn, tăng đáng kể so với 5,09 triệu tấn trong tháng 11. Mùa đông bắt đầu tại châu Âu đã thúc đẩy nhu cầu tăng mạnh, với Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một trong những khách hàng lớn nhất.
Ngoài châu Âu, xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Á tăng nhẹ lên 2,01 triệu tấn, chiếm 24% tổng lượng xuất khẩu. Châu Mỹ Latinh đóng góp 0,58 triệu tấn, trong khi Jordan nhận 0,07 triệu tấn từ Mỹ.
Theo Ira Joseph, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, nhu cầu LNG sẽ tăng mạnh vào năm 2025, đặc biệt từ các ngành liên quan đến trung tâm dữ liệu và AI. "Sản lượng LNG cao hơn vào cuối tháng 12 đã dẫn đến nhu cầu khí đốt kỷ lục, và các nhà sản xuất sẽ phải tăng tốc để bắt kịp xu hướng này", ông nhận định.
Năm 2024, châu Âu vẫn là điểm đến chủ yếu của LNG Mỹ (55% tổng xuất khẩu), tiếp theo là châu Á (34%) và Mỹ Latinh (11%). Một số lô hàng nhỏ được gửi đến Trung Đông, chủ yếu là Ai Cập và Jordan.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu LNG không chỉ giúp Mỹ củng cố vị thế hàng đầu mà còn đáp ứng phần nào nhu cầu toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung từ Nga bị hạn chế và giá khí đốt có xu hướng biến động trong những năm tới.