Chỉ 3 tháng nữa, tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam dự kiến quy tụ 3 đặc khu sau sắp xếp đơn vị hành chính
Sau khi thời điểm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam dự kiến sẽ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành 51 đơn vị, trong đó có 3 đặc khu.
Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành kết luận số 1207 về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, địa phương đã cơ bản thống nhất phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh thành 51 đơn vị, gồm 27 phường, 21 xã với 3 đặc khu gồm Vân Đồn, Cô Tô và Móng Cái.
Đối với trường hợp Trung ương phê duyệt 2 đặc khu gồm Vân Đồn và Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã toàn tỉnh 54 đơn vị, trong đó gồm 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu.

Một số thành phố lớn của tỉnh Quảng Ninh dự kiến cũng sẽ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, Hạ Long sẽ giảm từ 30 đơn vị xuống còn 11 đơn vị; Đông Triều từ 19 đơn vị xuống còn 5 đơn vị Uông Bí từ 10 đơn vị xuống còn 3; Cẩm Phả từ 15 xuống còn 5 và Móng Cái từ 16 đơn vị hành chính xuống còn 3.
Kết luận số 1207 thể hiện rõ, Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị quá trình hoàn thiện Đề án không tổ chức cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã phải lưu ý đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian phát triển kinh tế nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của mỗi địa phương.
Chính phủ định hướng chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu. Theo đó, hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ các huyện đảo sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đó, các cơ quan thực hiện có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của một số đơn vị nhằm khắc phục tồn tại và bất cập lịch sử để lại trong công tác quản lý Nhà nước về địa giới hành chính và quy hoạch.
Trước yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương hoàn thiện các đề án liên quan, đảm bảo bám sát đúng lộ trình, tiến độ đã được đề ra.

Một trong những nội dung trọng tâm là việc chủ động nghiên cứu, đề xuất tên gọi và vị trí đặt trụ sở hành chính mới cho các xã sau khi sắp xếp. Theo định hướng của tỉnh, việc lựa chọn vị trí phải căn cứ trên điều kiện địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân – yếu tố được coi là then chốt trong việc nâng cao hiệu lực quản lý và chất lượng dịch vụ công.
Về nguyên tắc đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, Tỉnh ủy nhấn mạnh cần ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, nhưng không vì thế mà đánh mất bản sắc. Tên gọi phải đảm bảo tính khoa học, hệ thống, đồng thời phản ánh được lịch sử, truyền thống, văn hóa đặc trưng của địa phương. Các địa danh đã có bề dày truyền thống, gắn với di sản văn hóa, thương mại, du lịch, hoặc mang yếu tố giao thương, đối ngoại sẽ được ưu tiên lựa chọn. Trong trường hợp có sự sáp nhập giữa nhiều đơn vị, tên gọi nên ưu tiên lấy theo đơn vị giữ vai trò trung tâm chính trị – hành chính.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy yêu cầu quá trình lấy ý kiến cử tri phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng quy trình, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cộng đồng dân cư. Đây không chỉ là bước kỹ thuật, mà còn là nền tảng để đảm bảo sự ủng hộ, đồng hành của người dân trong suốt tiến trình đổi mới bộ máy hành chính địa phương.
Song song với đó, Quảng Ninh cũng chỉ đạo các địa phương triển khai ngay công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ cấp xã, với mục tiêu rõ ràng: Sẵn sàng tổ chức Đại hội ngay sau thời điểm mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025.
Với cách làm bài bản, định hướng rõ ràng và sự vào cuộc quyết liệt từ cấp tỉnh đến cơ sở, Quảng Ninh tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính, hướng tới một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả, gần dân, vì dân.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là một thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế - xã hội theo chu kỳ năm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khi không tính các thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh là tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI đạt 97,94% so với Hà Nội. Chỉ số SCOLI cao nhất là Hà Nội (100%), theo sau là TP. HCM với chỉ số bằng 98,44% của Hà Nội.