Toàn cảnh đại công trường nút giao 3 tầng kết nối 6 trục đường của 3 địa phương giàu nhất Việt Nam
Nút giao này không chỉ là một công trình giao thông quan trọng mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và đô thị cho khu vực phía Đông Nam Bộ.
Nút giao Tân Vạn là hạng mục lớn và phức tạp bậc nhất đường Vành đai 3 , ở vị trí kết nối TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai, nơi được coi là cửa ngõ giao thương của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.
Nút giao Tân Vạn có thiết kế 3 tầng với 5 nhánh cầu, dài khoảng 2,4km. Với thiết kế ba tầng, kết hợp hệ thống 5 nhánh cầu cùng các tuyến đường kết nối đa chiều, Tân Vạn trở thành điểm hợp lưu của 6 trục giao thông chiến lược, bao gồm Xa lộ Hà Nội, Metro số 1, Vành đai 3, đường ĐT 743A (đoạn 3 và 4) và đường Nguyễn Xiển, tạo thành giao điểm quan trọng cho khu Đông.

Khởi công từ tháng 5/2024, công trình này không đơn thuần là một nút giao, mà được xem là "mạch máu kỹ thuật" của toàn tuyến Vành đai 3, khi giữ vai trò kết nối liên vùng giữa các đô thị trọng điểm và các khu công nghiệp lớn nhất miền Nam.
Bởi vậy, khối lượng kỹ thuật của công trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận thi công, từ việc bố trí tầng cao – tầng thấp đến tổ chức luồng xe, giao cắt. Đây cũng là đoạn mà các đơn vị thi công xác định là "nút nghẽn" cần hoàn thành đúng tiến độ để tránh ảnh hưởng dây chuyền đến toàn dự án.

Đến thời điểm giữa tháng 4/2025, các nhà thầu đang đẩy nhanh tốc độ thi công phần móng, trụ và nhánh cầu chính, với mục tiêu hoàn thiện cơ bản vào cuối năm 2025, vượt tiến độ gần một năm so với kế hoạch ban đầu. Hàng chục máy móc và hàng trăm nhân công được huy động, tập trung vào các hạng mục như cọc khoan nhồi, dầm cầu và xử lý nền đất yếu, đảm bảo chất lượng công trình.
Hiện nay, các trụ cầu vượt đã dần thành hình dọc dự án. Riêng đoạn dọc Quốc lộ 1 (xa lộ Hà Nội) nối lên cầu Đồng Nai đang được thi công hệ thống đường cống thoát nước.
Khi đưa vào khai thác, Tân Vạn sẽ góp phần giảm áp lực cho các trục đường nội đô vốn đang quá tải như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, đồng thời thúc đẩy giao thương, kết nối các khu công nghiệp và trung tâm logistics đang ngày càng mở rộng về phía Đông. Dự án sẽ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, logistics và thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam.

Xung quanh nút giao Tân Vạn, các công trình tiện ích như Bến xe Miền Đông mới, khu Công nghệ cao TP. HCM, Aeon Mall Biên Hòa và Làng Đại học Thủ Đức đang hình thành một hệ sinh thái phát triển toàn diện. Sự hoàn thiện của nút giao sẽ nâng cao chất lượng sống và tạo động lực cho các dự án đô thị, thương mại trong khu vực.
Trong dòng chảy phát triển hạ tầng khu vực phía Nam, nút giao Tân Vạn chính là biểu tượng cho sự quyết liệt, kỹ thuật cao và tính chiến lược dài hạn. Dự án là một phần trong chiến lược dịch chuyển đầu tư, giãn dân và tái cấu trúc đô thị mà cả ba tỉnh thành cùng hướng đến.
Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Hai TP trực thuộc trung ương là TP. HCM, Hà Nội đứng đầu bảng khi có quy mô kinh tế lớn nhất nước, lần lượt đạt mức 1,78 triệu tỷ đồng và 1,43 triệu tỷ đồng. Tiếp đến là Đồng Nai, Bình Dương lần lượt có GRDP là 520 tỷ đồng và 494 tỷ đồng.