'Chị Cơm' Hải Phòng: Một tài khoản, những bình hoa và lòng tốt giấu tên
Có lẽ, đôi khi không cần biết tên, người ta vẫn nhớ mãi một người vì những điều tốt đẹp mà họ để lại trong lòng người khác. Chẳng hạn như "chị Cơm" - người phụ nữ có phần khác biệt muốn giấu từ tên, tuổi, dung mạo, đến cả công việc.
Nổi tiếng nhưng… không ai biết tên
Tám năm đồng hành cùng bếp ăn 0 đồng ở Hoàng Văn Thụ, TP. Hải Phòng, chị H. (8x, Hải Phòng) chỉ dùng một tài khoản Facebook duy nhất với tên gọi "Quán Cơm Thiện Nguyện". Chị không kêu gọi ủng hộ cho quán cơm và cũng chỉ mới hoạt động mạng xã hội khoảng hai năm gần đây. Việc kêu gọi chỉ thực hiện với các chương trình thiện nguyện bên ngoài như xây nhà, dựng trường, hỗ trợ bệnh nhân hoặc hoàn cảnh đặc biệt, và luôn công khai minh bạch số tiền sau mỗi đợt vận động.
Vừa rồi, chị lần thứ ba được vinh danh trong 100 gương sáng thuộc chương trình “Việc tử tế” (Đài Truyền hình Việt Nam) tại Văn phòng Chủ tịch nước. Xuất hiện cùng với thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), người nhận nuôi 23 em nhỏ mồ côi Làng Nủ sau cơn bão Yagi tàn khốc; hay ca sĩ Hòa Minzy, người nuôi dưỡng rất nhiều trẻ em mồ côi – Chủ tịch nước Lương Cường đã dành lời khen ngợi cho chị H. cùng những "bông hoa" rất đẹp, rất thật, là những "câu chuyện cổ tích giữa đời thường".


.jpg)
Chị H. gọi đó là “sự may mắn, bởi so với những gì mọi người làm ngoài kia, tôi còn rất nhỏ bé”. Mỗi tháng, người phụ nữ này cùng người em là Việt kiều Đức – cũng là người sáng lập quán – góp tiền duy trì các suất cơm miễn phí cho người khó khăn.
Ban đầu, toàn bộ kinh phí do hai chị em chủ động lo liệu, nhưng sau khi hoạt động ổn định, nhiều nhà hảo tâm và bạn bè biết đến và tự nguyện góp sức. Có người hỗ trợ gạo, mắm, dầu ăn; có người góp tiền mặt định kỳ. Đặc biệt, một người chị tên Phí Hà đã nhiều năm hỗ trợ phần thuê nhà và chi phí nhân sự để quán vận hành đều đặn. Nhờ vậy, thay vì chỉ 50 suất cơm/ngày như dự kiến ban đầu, hiện nay mỗi ngày, quán phát khoảng 120 suất, có hôm lên gấp đôi khi có thêm người muốn góp phần sẻ chia.
Có những người chỉ nhìn bằng mắt là đã biết họ khổ, nên tôi không quá nặng nề, kỹ càng trong việc cân nhắc ai là người nhận cơm.
Tám năm qua tôi gặp rất nhiều hoàn cảnh, có người đã lớn tuổi vẫn chạy xích lô, có người lao động nghèo lên thành phố ở trọ. Thực sự tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình chia sẻ cho người ta một suất ăn. Có những hoàn cảnh éo le quá, tôi thường hỏi han và kết nối với các nhà hảo tâm, hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt cho họ.
Dù vậy, cũng có lúc tôi gặp người không trân trọng tấm lòng của mình, hay những người đang ở trong độ tuổi lao động đến nhiều lần thì tôi để ý hơn một chút.
Chị H. - Quán Cơm Thiện Nguyện
Để “cho đi” trong khoảng thời gian dài, người làm từ thiện cần có động lực là sự trân trọng từ những người đến với họ. Điều hành từ xa khi mọi thứ đã đi vào ổn định, nhưng chị có một nguyên tắc: nhân viên bắt buộc phải mang một suất cơm đến để chị kiểm tra chất lượng hằng ngày.



Tiết lộ lý do giữ kín bản thân, chị cho biết vì gia đình làm kinh doanh nên không muốn cuộc sống bị ảnh hưởng. Hơn nữa, từ thiện xưa nay vốn là một đề tài khá nhạy cảm tại Việt Nam, để tránh bị cho là đánh bóng tên tuổi, chị chọn âm thầm làm người tử tế và cảm thấy hạnh phúc với điều đó: “Thậm chí gia đình, chồng, con cũng không biết quá rõ về những việc tôi làm bên ngoài”.
Bản thân chị cũng đã lường trước các tình huống khi bắt đầu đến với vai trò này, nên mọi hoạt động tiếp nhận đóng góp đều được ghi chép, thống kê minh bạch: “Từ xưa đến nay, tôi tự tin rằng mình chẳng bao giờ bị điều tiếng”.
Những hoạt động của Quán Cơm Thiện Nguyện:
- Phát gạo cho gần 200 người già neo đơn, trẻ mồ côi và người tàn tật mỗi tháng.
- Hỗ trợ học phí cho gần 60 trẻ mồ côi mỗi tháng.
- Kết nối nhà hảo tâm xây dựng, tu sửa gần 20 điểm trường vùng cao.
- Kết nối xây dựng hơn 200 ngôi nhà tình thương.
- Kết nối nhà hảo tâm, giúp hơn 200 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo chữa bệnh.
- Kết nối chương trình ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc thiệt hại trong cơn bão Yagi, số tiền gần 1,1 tỷ đồng.
*Toàn bộ số tiền được huy động từ các nhà hảo tâm và bạn bè
Không học cắm hoa nhưng ai cũng dừng lại ngắm
Lướt trang Facebook của người phụ nữ đất Cảng, ngoài cảm mến tấm lòng nhân ái, hầu hết mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ phải thốt lên “Quá mê!” khi nhìn những bình hoa lên đến hàng trăm, hàng ngàn bông.
Không ai biết tên thật, nhưng chị nổi tiếng khắp các diễn đàn, hội nhóm cắm hoa. Cũng không quá nếu nói rằng những người yêu hoa đều ít nhất từng một lần dừng lại khi nhìn thấy một bình hoa do “chị Cơm” thực hiện. Một bài viết chị đăng tải thường thu hút đến hàng nghìn lượt tương tác.





.jpg)
“Tôi chưa từng đi học cắm hoa, cũng không tìm hiểu phương pháp gì trên mạng mà chỉ tự mò mẫm theo cảm nhận. Nếu lần đầu cắm chưa được thì lần hai mình sẽ cắm tốt hơn. Có những bình hoa tôi cắm trong ba giờ đồng hồ.
Với tôi, làm từ thiện hay cắm hoa vốn không phải là đam mê đâu, đơn giản tôi thích khám phá bản thân, và điều đó làm tôi thấy sống có ý nghĩa hơn. Trước đây, có thời gian rảnh thì tôi đi mua sắm, xem phim. Nhưng bây giờ, dành thời gian đó để cắm được bình hoa khó, tôi thấy như vừa chinh phục được một khả năng của chính mình vậy” – chị tâm sự.
Trên thị trường hoa hiện tại, với khoảng 100.000 đồng, chị em đã có thể mua được khoảng 30 bông hồng cắt cành từ Mê Linh, Lai Châu. Các chợ hoa online miền Bắc tương đối nhộn nhịp quanh năm, với đông đảo người mua – bán và đa dạng các loại hoa có nguồn gốc từ nhà vườn hoặc nhập khẩu Hà Lan, Trung Quốc. Có lúc “chơi lớn” cả ngàn bông hoa, theo quan điểm của chị H., nói về chi phí thì rất vô cùng.
Khi tôi đăng một bình hoa lên mạng, có rất nhiều người khen đẹp, khen hoành tráng, nhưng cũng có những bạn xem đó là lãng phí. Nên đủ khả năng đến đâu thì mình chơi đến đấy và cảm thấy vui là được. Chuyện nhiều hay ít tiền không quan trọng bằng cảm xúc. Tôi cũng không muốn làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác, mà chỉ muốn chia sẻ điều tích cực trên mạng xã hội.
Chị H. - Quán Cơm Thiện Nguyện
Chàng trai gốc Việt từng được đích thân Tổng thống Mỹ tôn vinh nhờ dự án thiện nguyện vì người nghèo