Vụ MC Bích Hồng phát ngôn gây phẫn nộ: Phút nông nổi lộ khoảng trống nhận thức
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, vụ việc phát ngôn "gây bão" của MC Bích Hồng không đơn thuần là chuyện cá nhân, đó còn là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, làm lộ ra một khoảng trống đáng lo ngại trong nhận thức của một bộ phận người nổi tiếng.
Ngày 19/4, MC Bích Hồng (đài SCTV4) đã có những phát ngôn về hoạt động diễu binh, diễu hành gây tranh cãi.
Nữ MC này sau đó đã gỡ bài, đăng kèm lời xin lỗi. SCTV lập tức dừng tất cả các chương trình, hình ảnh có liên quan đến MC Bích Hồng và chấm dứt cộng tác.
Tuy nhiên, sự việc lần này không chỉ dừng lại ở phạm vi phát ngôn của một cá nhân mà còn rất nhiều điều đáng bàn.

VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng, vụ việc MC Bích Hồng như một tín hiệu cho thấy có vấn đề về nhận thức của người nổi tiếng đối với các sự kiện trọng đại của đất nước. Ông nhìn nhận ra sao?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Không chỉ dừng ở mức "tín hiệu", đây thực sự là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ. Vụ việc của nữ MC, dù là một phút nông nổi, cũng đủ làm lộ ra một khoảng trống đáng lo ngại trong nhận thức của một bộ phận người nổi tiếng.
Khi một người nổi tiếng, đặc biệt là người dẫn chương trình gắn bó với truyền hình, bày tỏ sự khó chịu trước một hoạt động mang ý nghĩa thiêng liêng như diễn tập cho lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, không đơn thuần là chuyện cá nhân. Đó còn là sự chệch hướng trong cảm thức công dân, trong trách nhiệm xã hội và sự biết ơn đối với lịch sử.
Những sự kiện trọng đại không chỉ là ngày lễ, mà còn là điểm tựa tinh thần của cả một dân tộc. Nếu người của công chúng không có đủ độ sâu để nhận ra điều đó, họ không chỉ tự đánh mất hình ảnh bản thân mà còn vô tình làm tổn thương đến lòng tự hào của cộng đồng.
Tôi cho rằng đây không phải lần đầu, và chắc chắn cũng chưa phải lần cuối nếu chúng ta không nhìn thẳng vào vấn đề: xã hội ngày càng trao cho người nổi tiếng sức ảnh hưởng lớn, nhưng không đi kèm với một quá trình bồi dưỡng giá trị tinh thần tương xứng.
Danh tiếng đến quá nhanh, vai trò được khoác lên quá dễ, nhưng ý thức về nghĩa vụ văn hóa – chính trị lại bị xem nhẹ.
Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này do đâu, có phải do lớp trẻ đang quay lưng với kiến thức lịch sử?
Theo tôi nguyên nhân đến từ nhiều phía.
Trước hết, đó là sự thiếu hụt nền tảng giáo dục - văn hóa – lịch sử trong chính quá trình trưởng thành và phát triển nghề nghiệp của một bộ phận người nổi tiếng.
Nhiều người bước vào nghề sớm, được công chúng biết đến nhờ ngoại hình, tài năng biểu diễn hay sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhưng chưa từng được trang bị một cách bài bản về kiến thức lịch sử, đạo đức nghề nghiệp hay trách nhiệm công dân.

Khi gốc rễ văn hóa không đủ vững, đứng trước những vấn đề trọng đại, họ dễ buông lời cảm tính, thậm chí là lệch chuẩn. Không hẳn do cố ý, mà bởi họ không đủ chiều sâu để hiểu điều gì là thiêng liêng, điều gì nên tôn trọng.
Thứ hai, đó là hệ quả của một xã hội đang quá coi trọng hào quang mà quên đi chiều sâu nhân cách. Trong kỷ nguyên số, danh tiếng có thể đến chỉ sau một video lan truyền, một vai diễn ấn tượng,...
Nhưng sự nổi tiếng ấy nếu không đi kèm với hành trình rèn luyện bên trong sẽ giống như ngọn lửa cháy nhanh nhưng dễ tắt.
Chính sự dễ dãi trong cách tôn vinh người nổi tiếng, coi họ là thần tượng chỉ vì bề ngoài, đã khiến không ít người lầm tưởng mình được miễn trừ trách nhiệm phát ngôn, hoặc được quyền thể hiện cái tôi mọi lúc mọi nơi, kể cả trong những không gian cần sự trang nghiêm và sẻ chia.
Nguyên nhân thứ ba, đó là sự thiếu vắng các cơ chế định hướng, không chỉ từ phía cơ quan quản lý mà cả từ các đơn vị truyền thông, giải trí. Trong nhiều năm, chúng ta ít đặt ra những chuẩn mực cụ thể, ít xây dựng những bộ quy tắc ứng xử dành cho người làm nghề dẫn chương trình, nghệ sĩ, KOLs.
Sau cùng, đó là sự lãng quên giá trị thiêng liêng trong một xã hội đang quá bận rộn với nhịp sống hiện đại. Khi thành phố tổ chức diễn tập để chuẩn bị cho một lễ kỷ niệm trọng đại bậc nhất của cả dân tộc, nhiều người lại chỉ nhìn thấy “kẹt xe, bất tiện” thay vì nhìn thấy sự tự hào, lòng tri ân.
Điều này cho thấy sự lệch pha trong cảm thức cộng đồng, mà người nổi tiếng chỉ là tấm gương phản chiếu. Vấn đề không chỉ ở một cá nhân, mà là hệ quả của một quá trình dài thiếu sự đầu tư về chiều sâu văn hóa – lịch sử trong môi trường nghệ thuật, thiếu những hàng rào đạo đức vững chắc.
Ngay sau phát ngôn gây “bão mạng”, SCTV đã thông báo dừng hợp tác, MC cũng đã viết thư xin lỗi trên trang cá nhân. Tuy nhiên, theo ông có cần những chế tài mạnh mẽ hơn?
Việc SCTV chấm dứt hợp tác ngay lập tức là một phản ứng kịp thời và cứng rắn, thể hiện lập trường rõ ràng của một cơ quan truyền thông về trách nhiệm đạo đức của người dẫn chương trình. Lời xin lỗi của MC này cũng cho thấy sự ăn năn và thiện chí sửa sai.
Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở mức xử lý nội bộ và xin lỗi công khai là chưa đủ để ngăn chặn những hành vi tương tự trong tương lai.
Trong một xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ với sức ảnh hưởng sâu rộng của mạng xã hội, việc xây dựng những chế tài nghiêm khắc hơn là cần thiết, không phải để trừng phạt mà để định hướng.
Bởi khi một người nổi tiếng phát ngôn sai lệch, đặc biệt liên quan đến sự kiện chính trị, lịch sử có ý nghĩa trọng đại của đất nước, hậu quả không chỉ dừng lại ở cảm xúc công chúng, mà còn ảnh hưởng đến cả nhận thức xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Thứ nhất, đã đến lúc chúng ta cần có bộ quy tắc ứng xử riêng đối với người của công chúng, trong đó quy định rõ ràng về chuẩn mực phát ngôn, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và các biện pháp xử lý nếu vi phạm. Những quy tắc này không nhằm bó buộc tự do cá nhân, mà để khẳng định tự do phát ngôn không đồng nghĩa với vô trách nhiệm.
Thứ hai, các hiệp hội nghề nghiệp, các đơn vị sử dụng người nổi tiếng như đài truyền hình, công ty giải trí, nhãn hàng quảng cáo cần đồng thuận với nhau trong việc xây dựng một cơ chế phối hợp xử lý vi phạm.
Thứ ba, về lâu dài, cần có các chương trình đào tạo, tập huấn bắt buộc về văn hóa công dân, lịch sử dân tộc và kỹ năng truyền thông có trách nhiệm cho các nghệ sĩ, KOLs, MC, nhất là những người trẻ. Sự trừng phạt là không đủ nếu không có giáo dục đi kèm.
Thứ tư, nếu cần thiết, các cơ quan quản lý văn hóa và truyền thông có thể cân nhắc cơ chế giám sát, cảnh báo hoặc thậm chí tạm đình chỉ hoạt động truyền thông của những người nổi tiếng có hành vi vi phạm nghiêm trọng, tương tự cách một số nước đã áp dụng.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Nghị định 38/2021/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có thể áp dụng các mức phạt đối với hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Nếu MC Bích Hồng bị xác định là vi phạm các quy định về phát ngôn trên mạng xã hội hoặc trong hoạt động truyền hình, cô có thể đối mặt với các hình thức xử phạt như:
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi sản xuất, tán phát, phát tán, phổ biến sản phẩm thông tin có nội dung vi phạm.
Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn nhất định.
Buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.
>> MC Bích Hồng và những lần MC đài truyền hình vạ miệng vì phát ngôn
MC Bích Hồng và những lần MC đài truyền hình vạ miệng vì phát ngôn
SCTV4 dừng tất cả các chương trình do MC Bích Hồng dẫn sau phát ngôn gây phẫn nộ