Chi ngân sách năm 2024 ra sao?
Năm 2024, Bộ Tài chính dự toán chi ngân sách 2,11 triệu tỷ đồng. Lũy kế hết quý 3/2024, chi ngân sách Nhà nước gần 1,3 triệu tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán. Các chuyên gia khuyến nghị, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh chi đầu tư phát triển theo đúng dự toán để đảm bảo nguồn vốn Nhà nước làm “vốn mồi” cho nền kinh tế.
Điểm danh khoản chi lớn
Theo dự toán cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 được Bộ Tài chính xây dựng, tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2024 ở mức 2,11 triệu tỷ đồng. Trong đó, 2 khoản chi có số lượng nhiều nhất gồm: chi đầu tư phát triển hơn 677 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi hơn 111,7 nghìn tỷ đồng. Các nguồn chi khác như: chi viện trợ 2,2 nghìn tỷ đồng; chi thường xuyên 1,17 triệu tỷ đồng; chi cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội 74 nghìn tỷ đồng; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 100 tỷ đồng và chi dự phòng ngân sách Nhà nước gần 58 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, hết 9 tháng năm 2024, tổng chi ngân sách Nhà nước ở mức 1,25 triệu tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán và tăng 1,4% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi thường xuyên là khoản chi lớn nhất của ngân sách với số chi 856,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68% dự toán và tăng gần 107% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản chi khác gồm: chi đầu tư phát triển 320 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 77,3 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 77,2 nghìn tỷ đồng, chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế 9.408 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2024, chi ngân sách Nhà nước đạt , tổng chi ngân sách nhà nước ở mức 1,25 triệu tỷ đồng. Ảnh: Như Ý. |
Chia sẻ về việc chi ngân sách Nhà nước, đại diện Bộ Tài chính cho biết, bộ đã yêu cầu đơn vị trực thuộc bám sát khoản chi theo dự toán đã được phê duyệt. Đối với khoản chi chậm so với dự toán, bộ này tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
“Từ nay tới cuối năm 2024, việc điều hành chi ngân sách sẽ triển khai chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, giữ bội chi và nợ công trong phạm vi cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Cần đẩy mạnh chi đầu tư phát triển
Dù khoản chi chung tăng so với cùng kỳ năm 2023 tuy nhiên một trong khoản chi lớn vẫn chậm so với tốc độ chung. Cụ thể, khoản chi đầu tư phát triển chỉ đạt 320 nghìn tỷ đồng, bằng 47,3% dự toán Quốc hội quyết định. Số tiền chi này tương đương tỷ lệ giải ngân ước 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Khoản chi này giảm khoảng 42,7 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một trong những nguyên nhân khiến chi đầu tư phát triển thấp do việc giải ngân vốn đầu tư công nhiều dự án chậm. Với nguồn vốn trung ương giao cho địa phương quản lý năm 2024, đến nay vẫn còn hơn 80 dự án giải ngân bằng 0%. Đặc biệt, cả nước có hơn 320 dự án giải ngân dưới 30% so với kế hoạch được giao. Tất cả dự án này đều sử dụng tiền vốn đầu tư năm 2024 và đã được chuẩn bị sẵn sàng trong ngân sách, chờ khối lượng hoàn thành dự án sẽ giải ngân.
Trong 9 tháng năm 2024, chi ngân sách Nhà nước đạt , tổng chi ngân sách ở mức 1,25 triệu tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán và tăng 1,4% so cùng kỳ năm 2023. Các khoản chi lớn gồm: chi thường xuyên 856,5 nghìn tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 320 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 77,3 nghìn tỷ đồng, chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế 9.408 tỷ đồng.
Cùng với đó, theo báo cáo của bộ tài chính việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia cũng chậm tiến độ. Cụ thể, giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chỉ đạt 13,2% tổng dự toán năm 2024. Cả nước vẫn còn 14 tỉnh chưa giải ngân hoặc có lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG dưới 10% so với tổng dự toán.
Một trong các nguyên nhân chậm giải ngân nguồn vốn CTMTQG do địa phương còn tâm lý sợ sai, chưa quyết liệt trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn của CTMTQG, nhất là giải ngân nguồn vốn chi thường xuyên. Địa phương chậm phân bổ kế hoạch vốn, giao dự toán; chậm lập, phê duyệt dự án đầu tư, đối tượng hỗ trợ. Địa phương còn lúng túng khi áp dụng quy định của Luật Đấu thầu mới. Các gói mua sắm vật tư, nguyên vật liệu đấu thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia nên mất nhiều thời gian. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình và đến tiến độ giải ngân vốn.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long, ngân sách Nhà nước phải đảm bảo cân đối thu - chi, tránh bội chi. Việc thu chi ngân sách phải bám sát dự toán. Đặc biệt, chi ngân sách phải đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Đánh giá về việc chi ngân sách Nhà nước từ nay tới cuối năm 2024, ông Long kiến nghị, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh chi đầu tư phát triển bởi nguồn chi này thấp so với mặt bằng chung. Trong khi, đây là khoản chi quan trọng, có tỷ trọng lớn, đóng góp lớn vào phát triển.
“Khoản chi đầu tư phát triển chủ yếu cho dự án đầu tư công trên cả nước. Các dự án như giao thông, y tế khi hoàn thành sẽ góp phần tạo động lực cho nền kinh tế của địa phương có dự án nói riêng và đóng góp vào nền kinh tế nói chung. Vì vậy, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh chi đầu tư phát triển, để tạo “vốn mồi” thu hút nguồn vốn khác đổ vào nền kinh tế”, ông Long đề xuất.
Kế toán xã lập khống chứng từ, 'rút ruột' tiền tỷ từ ngân sách nhà nước 
Áp thuế phòng vệ thương mại, ngân sách Nhà nước tăng thu 1.500 tỷ đồng mỗi năm