Tiềm lực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã đủ sức vươn ra khu vực?
Số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn nhưng tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô tầm khu vực và quốc tế còn thấp, còn nhiều hạn chế và cần thay đổi mạnh mẽ để trở thành “đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng”.
Quy mô nhỏ, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh
Những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân  tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam đã có những tỷ phú USD nằm trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, thậm chí có người lọt top 500. Đây là bằng chứng cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu.
Theo cập nhật mới nhất của Forbes, Việt Nam có 5 tỷ phú USD tính đến ngày 29/3.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) kiêm CEO VinFast (VFS) Phạm Nhật Vượng ghi nhận tài sản tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm qua, đạt 7,5 tỷ USD tính tới ngày 29/3.
Với mức này, ông Vượng xếp thứ 414 trên thế giới, tăng vọt so với khối tài sản 6,7 tỷ USD và vị trí 502 vào ngày 10/3 và vị trí 839 ghi nhận hồi gần cuối tháng 1.
Như vậy, so với cuối tháng 1, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng 425 bậc.
Với khối tài sản như hiện tại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu hơn nhiều so với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump có khối tài sản 4,8 tỷ USD, xếp thứ 722 trên thế giới tính đến 29/3, theo Forbes.
Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, Việt Nam còn có các tỷ phú USD khác. Tính tới 29/3, Chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo có 2,7 tỷ USD. Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long có quy mô tài sản 2,3 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có 1,9 tỷ USD. Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản 1 tỷ USD.
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, sử dụng phần lớn, khoảng hơn 80% trong tổng số lao động trên cả nước.
Một số tập đoàn tư nhân lớn ghi dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài, như sản phẩm tiêu dùng của Masan, ô tô điện VinFast của Vingroup, VietJet của bà Phương Thảo, thép của ông Trần Đình Long... nhưng số lượng chưa nhiều.
Tuy số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô, có đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, vẫn còn hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm vừa và nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ và quản trị chưa mạnh và hoạt động chủ yếu tại thị trường nội địa.
So với Thái Lan, Singapore và Malaysia, kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn khá khiêm tốn, kể cả về quy mô và tầm ảnh hưởng. Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam chiếm khoảng 45-50% GDP, trong khi ở Thái Lan là hơn 57%, Malaysia là khoảng 60%.

Thái Lan có nhiều tập đoàn tư nhân quy mô lớn hơn, như Tập đoàn Charoen Pokphand Group (CP Group) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và bán lẻ trên toàn cầu. Ông chủ Dhanin Chearavanont và gia đình có tài sản ước tính khoảng 37 tỷ USD, riêng ông Dhanin Chearavanont tính tới 26/3 có tài sản 15 tỷ USD.
Thai Beverage (ThaiBev) có quy mô vốn hóa gần 13 tỷ USD. Ông chủ Charoen Sirivadhanabhakdi có tài sản tính tới 26/3 là 11,4 tỷ USD...
Tại Singapore , DBS Holdings được xem là một tập đoàn tư nhân dù cổ đông lớn nhất chiếm 29% là công ty đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings. DBS Holdings có quy mô vốn hóa 99 tỷ USD tính tới 26/3. Tập đoàn Wilmar International có quy mô vốn khoảng 16 tỷ USD. Ông Kuok Khoon Hong có tài sản đạt 3,4 tỷ USD tính đến 26/3. Gia đình Kuok (bao gồm anh em họ hàng ở Malaysia) sở hữu tài sản lớn hơn nhiều.
Còn Malaysia có Petronas hay Genting Group...
Cần bứt phá để vươn ra khu vực
Dù là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng ngoại trừ các ông lớn như đã nêu trên, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, với rất nhiều hạn chế về công nghệ, quản trị... so với một số nước trong khu vực.
Sự chênh lệch này xuất phát từ nhiều nguyên.
Trước hết, các doanh nghiệp tư nhân  Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nội địa 100 triệu dân. Ngay trường hợp Masan Group, dù trở thành một đế chế trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng nội địa, với các thương hiệu như Omachi, Chin-su, hay WinMart, nhưng tốc độ mở rộng ra khu vực và quốc tế chưa thực sự nhanh.
Thứ hai, hạn chế về vốn, công nghệ và quản trị là rào cản. Dù Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã gây tiếng vang với thương hiệu ô tô VinFast và tham vọng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có thể cạnh tranh với các ông lớn như Tesla hay Toyota, ít nhất là về mặt công nghệ.
Techcombank của Chủ tịch Hồ Hùng Anh, dù là một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu, cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các ngân hàng nước ngoài có bề dày kinh nghiệm và công nghệ vượt trội. Tập đoàn Thaco của ông Trần Bá Dương tuy đã xuất khẩu xe sang một số nước trong khu vực nhưng quy mô vẫn nhỏ.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự đủ mạnh và nhất quán. Dù Nhà nước đã có nhiều chương trình khuyến khích, các tập đoàn như Tập đoàn FPT hay Sovico Group vẫn phải chủ động là chính trong việc tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - doanh nghiệp tư nhân vẫn phát triển thụ động và đối mặt với nhiều rào cản, trong đó lớn nhất là thể chế.
Theo ông Cung, trong bối cảnh mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì một chiến lược rõ ràng để phát triển kinh tế tư nhân là điều tất yếu. Chiến lược này phải xác định sứ mệnh của kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong, chủ lực trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong thực hiện những công trình quan trọng của quốc gia nhằm nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.
Tại Thái Lan, Singapore hay Malaysia, nơi chính phủ các nước này có chiến lược hỗ trợ dài hạn cho các tập đoàn tư nhân vươn ra toàn cầu. Việt Nam vẫn thiếu những cơ chế đột phá để tạo đà cho doanh nghiệp.
Để kích hoạt tiềm năng to lớn của khu vực kinh tế tư nhân, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đề xuất cần có những quyết sách để nuôi dưỡng tinh thần doanh nghiệp, để quyền tự do kinh doanh được củng cố mạnh mẽ hơn nữa và doanh nghiệp thực sự được phép tự do làm những điều pháp luật không cấm.
Những quyết sách đó sẽ tạo nền tảng để quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định. Phương thức điều hành của cơ quan quản lý dựa nhiều vào các nguyên tắc, công cụ thị trường hơn là các quyết định hành chính.
Các quyết sách đối với khu vực kinh tế tư nhân cần đưa ra định hướng để hệ thống pháp luật cần được xây dựng theo hướng không chỉ phục vụ mục tiêu quản lý của cơ quan nhà nước, mà còn đóng vai trò kiến tạo để khơi thông nguồn lực, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
Hệ thống pháp luật sẽ khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư vào KHCN, ứng dụng đổi mới sáng tạo. Điều này đồng nghĩa với việc cần thiết lập các cơ chế pháp lý hỗ trợ các hoạt động có mức độ rủi ro cao nhưng mang lại lợi ích đột phá về năng suất và công nghệ.
Ngoài ra, việc khuyến khích hợp tác công-tư (PPP) trong các dự án lớn, như hạ tầng giao thông hay năng lượng tái tạo, sẽ giúp các tập đoàn như Sovico Group hay Vingroup có thêm nguồn lực để mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Một hệ sinh thái tốt không chỉ giúp doanh nghiệp lớn mạnh trong nước mà còn bệ phóng để họ vươn ra khu vực.
>> Doanh nghiệp tư nhân vẫn phát triển thụ động, đối mặt với nhiều rào cản 
Tư duy ‘gia đình trị’ đang kìm chân doanh nghiệp tư nhân Việt: Muốn lớn, phải dám lột xác 
Doanh nghiệp tư nhân vẫn phát triển thụ động, đối mặt với nhiều rào cản