Chi phí lãi vay tăng cao, Fed lỗ 114 tỷ USD trong năm 2023
Theo thông tin từ WSJ, đây là mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay của cơ quan này.
Theo thông tin từ Wall Street Journal, sáng nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố khoản lỗ hoạt động lên tới 114,3 tỷ USD trong năm 2023. Đây là mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay do hậu quả của chiến dịch hỗ trợ nền kinh tế vào năm 2020 và 2021, sau đó tăng lãi suất để chống lạm phát cao.
Fed bắt đầu tăng lãi suất cho vay kể từ tháng 3/2022, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách tìm cách ngăn chặn sự gia tăng giá vốn đã đẩy lạm phát vượt xa mục tiêu dài hạn là 2%.
Sau đó, Fed liên tiếp nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm và giữ lãi suất ổn định kể từ đó, dẫn đến chi phí lãi suất mà Fed phải trả tăng mạnh.
>> CPI tháng 12 của Mỹ tăng mạnh, Fed chưa thể nhanh chóng hạ lãi suất 
Theo báo cáo của Fed công bố ngày 12/1, chi phí lãi suất mà ngân hàng này phải trả đã vượt quá thu nhập tới 114,3 tỷ USD. Tuy nhiên, dù Fed gánh chịu khoản lỗ hoạt động tồi tệ nhất từ trước đến nay vào năm 2023, nhưng ngân hàng này không yêu cầu Quốc hội hoặc Bộ Tài chính cấp thêm tiền để trang trải chi phí hoạt động.
Như thường lệ, 12 ngân hàng khu vực của Fed chuyển thu nhập của họ từ việc nắm giữ chứng khoán sang Bộ Tài chính, sau khi trừ các chi phí như lãi suất họ phải trả cho ngân hàng.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Fed đã chuyển 76 tỷ USD thu nhập cho Kho bạc. Tuy vậy, vào tháng 9/2022, Fed bắt đầu thua lỗ và ghi nhận khoản lỗ này là "tài sản trả chậm". Tính đến thời điểm này, Fed chưa bao giờ đình chỉ chuyển tiền vào Kho bạc trong lịch sử 109 năm hoạt động do thua lỗ.
Tài sản hoãn lại của Fed đã tăng 116,4 tỷ USD vào năm ngoái, nâng tổng tài sản tích lũy lên 133 tỷ USD. Khi Fed không còn thua lỗ nữa, Fed sẽ tự hoàn vốn trước và tiêu hủy tài sản trả chậm trước khi tiếp tục chuyển tiền vào Kho bạc.
Fed công bố khoản lỗ lớn nhất lịch sử do tác động của lãi suất tăng khiến chi phí lãi vay tăng cao |
Tổn thất của Fed là tác dụng phụ của những nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19 bằng cách mua số lượng lớn trái phiếu kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Giá trị thị trường của những chứng khoán được mua đã giảm sau khi Ngân hàng Trung ương bắt đầu tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm 2022 để chống lạm phát, tuy vậy, Fed không ghi nhận khoản lỗ đối với chúng vì chúng được giữ đến ngày đáo hạn.
Thay vào đó, Fed đang thua lỗ vì họ phải trả lãi nhiều hơn số tiền kiếm được từ những chứng khoán đó. Bắt đầu từ tháng 9 năm 2022, lãi suất qua đêm mà Fed trả cho các ngân hàng đối với tiền gửi của họ được giữ tại Fed đã vượt quá thu nhập mà Fed thu được từ khoản nắm giữ chứng khoán trị giá 7,1 nghìn tỷ USD.
Những khoản nắm giữ đó chủ yếu bao gồm trái phiếu kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp mà cơ quan này đã tích lũy trong các chương trình kích thích mua trái phiếu từ năm 2009 đến năm 2014 và từ năm 2020 đến năm 2022.
Trong trường hợp lãi suất giảm, Fed có khả năng thu được nhiều so với khoản khoản tiền phải chi trả, từ đó, Fed sẽ bắt đầu trả lợi nhuận cho Bộ Tài chính khi lợi nhuận đã vượt quá số tài sản trả chậm.
Theo các nhà quan sát, với mức thua lỗ của Fed trong năm 2023 và tài sản trả chậm tích lũy của họ là 133 tỷ USD kể từ khi bắt đầu thua lỗ vào tháng 9/2022, quá trình trả lợi nhuận cho Bộ Tài chính có thể sẽ mất nhiều thời gian.
Nghi ngờ khả năng cắt giảm lãi suất của FED, chứng khoán đỏ lửa 
CPI tháng 12 của Mỹ tăng mạnh, Fed chưa thể nhanh chóng hạ lãi suất