Tài chính quốc tế

'Bóng ma' lạm phát đi kèm suy thoái những năm 1970 ám ảnh nền kinh tế Mỹ

Vũ Bấc 27/03/2025 - 07:00

Kịch bản "đình lạm phiên bản nhẹ" đang dần trở thành tâm điểm trong các phân tích kinh tế vĩ mô tại Mỹ, khi tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp bắt đầu tăng, và lạm phát có nguy cơ tăng tốc giữa làn sóng thuế quan mới.

Một số dự báo kinh tế gần đây từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang đang gợi nhắc đến kịch bản "đình lạm phiên bản nhẹ" (stagflation-lite), theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế trên tờ Reuters. Ngày càng nhiều nhà quan sát đồng tình với quan điểm này, đồng thời đặt ra câu hỏi: “Liệu hiệu suất vượt trội của kinh tế Mỹ hậu đại dịch có đang dần suy yếu?”

Đình lạm là gì?

"Đình lạm" – tình trạng kết hợp giữa lạm phát cao và thất nghiệp cao – từng ám ảnh nước Mỹ vào thập niên 1970, một trong những giai đoạn điều hành kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.

'Bóng ma' lạm phát đi kèm suy thoái những năm 70 ám ảnh nền kinh tế Mỹ - ảnh 1
Người biểu tình giương cao biểu ngữ về tình trạng lạm phát và thất nghiệp tại Mỹ những năm 1970

Theo lý thuyết kinh tế, lạm phát cao thường đi kèm với thất nghiệp thấp là một hiện tượng kinh tế được lý giải qua mô hình đường cong Phillips, trong đó cho rằng có mối quan hệ nghịch đảo giữa tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Khi nền kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp tuyển thêm lao động để đáp ứng nhu cầu, từ đó tỷ lệ thất nghiệp giảm. Khi cầu vượt cung, giá cả bắt đầu tăng lên, gây ra lạm phát.

Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng đúng như vậy.

Những năm 70 thế kỷ trước, Fed đã mắc sai lầm về dữ liệu và mô hình dự báo, trong khi chính phủ tìm cách kiểm soát giá và triển khai những chiến dịch truyền thông bị xem là kỳ quặc, nổi tiếng nhất là khẩu hiệu "Chiến thắng lạm phát ngay" (WIN) dưới thời Tổng thống Gerald Ford.

Gần đây, trong bối cảnh các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng và nâng dự báo lạm phát – phần lớn xuất phát từ những thay đổi chính sách mạnh mẽ thời Tổng thống Donald Trump – mối lo về một làn sóng đình lạm mới bắt đầu được nhắc đến.

Về lý thuyết, kinh tế yếu và thất nghiệp cao thường khiến lạm phát hạ nhiệt. Nhưng giống như cú sốc giá dầu những năm 70 đã đẩy giá cả tăng vọt trong nền kinh tế vẫn đình trệ. Hiện nay, cú sốc thuế quan đến từ chính sách thương mại của Trump cũng đang tạo ra nhiều ẩn số khó lường.

Chính quyền Trump lập luận rằng thuế quan là một phần trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, kết hợp với cải cách thuế và nỗ lực cắt giảm quy định để thúc đẩy việc làm và kiểm soát giá cả.

Dù vậy, các tín hiệu đình lạm hiện tại vẫn chưa nghiêm trọng như thập niên 70 – thời kỳ mà chỉ số “khốn khổ” (misery index), kết hợp giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, đạt mức cao kỷ lục và trở thành nỗi ám ảnh kéo dài trong lịch sử kinh tế Mỹ hậu chiến.

'Bóng ma' lạm phát đi kèm suy thoái những năm 70 ám ảnh nền kinh tế Mỹ - ảnh 2
Sự kết hợp giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát – được gọi là "chỉ số khốn khổ" (Misery Index) – đều đang giáng đòn nặng nề lên các hộ gia đình tại Mỹ

Bước đi tiếp theo của Fed

Diễn biến của các yếu tố kinh tế chủ chốt đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới chuyên gia. Trong các đánh giá rủi ro tuần này, nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đồng loạt chỉ ra tình trạng lạm phát và thất nghiệp đều cao hơn so với dự báo trước đó.

Chuyên gia kinh tế trưởng của RSM, Joe Brusuelas, đã gọi đây là kịch bản "đình lạm phiên bản nhẹ" (stagflation-lite) trong phân tích cuộc họp chính sách tuần trước của Fed. Theo ông, các dự báo hiện tại “hàm ý một tình trạng đình lạm nhẹ sắp xảy ra, khi tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng lên”, đồng thời nhấn mạnh "sự bất định đang bao trùm về quy mô và tác động của cú sốc thương mại".

Tuần trước, Fed giữ nguyên lãi suất nhưng vẫn dự đoán sẽ có hai lần cắt giảm nhẹ vào cuối năm. Tuy nhiên, các dự báo mới nhất hé lộ thế tiến thoái lưỡng nan: tăng trưởng chững lại, tỷ lệ thất nghiệp nhích lên và lạm phát tiếp tục tăng, đặc biệt trong bối cảnh mức thuế quan mới có hiệu lực.

Fed dường như đang đặt cược rằng tác động của thuế quan chỉ mang tính tạm thời – một giả định từng được đưa ra đầu đại dịch khi giá cả bắt đầu tăng mạnh, và sau đó bị chứng minh là sai.

'Bóng ma' lạm phát đi kèm suy thoái những năm 70 ám ảnh nền kinh tế Mỹ - ảnh 3
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Fed đang đánh giá rủi ro lạm phát và thất nghiệp gia tăng trong những năm nhiệm kỳ của ông Trump

Hiện tại, dù chuỗi cung ứng đã phục hồi và hàng hóa lưu thông ổn định hơn, quy mô và phạm vi của các chính sách kinh tế mới dưới thời ông Trump vẫn tạo ra sự bất định lớn. Như Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý trong cuộc họp báo tuần trước, dữ liệu kinh tế vĩ mô vẫn vững vàng – chỉ số "khốn khổ" hiện đang ở mức thấp. Nhưng các chỉ số tâm lý thị trường và niềm tin tiêu dùng đang suy giảm, khiến Fed lo ngại tâm lý bi quan có thể làm chững lại đầu tư và tiêu dùng – ngay cả khi thuế quan tiếp tục đẩy giá lên.

Một số quan chức Fed cảnh báo tình trạng này có thể khiến ngân hàng trung ương rơi vào thế khó, khi phải lựa chọn giữa kiềm chế lạm phát và thúc đẩy việc làm – hai mục tiêu đôi khi mâu thuẫn nhau trong môi trường đình lạm.

“Không có gì khó chịu hơn một môi trường đình lạm – nơi cả hai mục tiêu đều đi chệch hướng,” giám đốc Fed chi nhánh Chicago, Austan Goolsbee, phát biểu trên CNBC hôm 21/3. “Thuế quan cao hơn đồng nghĩa với giá tăng và sản lượng giảm – đó chính là động lực cho đình lạm.”

Nếu Fed rơi vào thế giằng co giữa lạm phát và tăng trưởng, ưu tiên của họ vẫn rõ ràng: giữ lạm phát – và quan trọng hơn, kỳ vọng về lạm phát – trong tầm kiểm soát.

Một trong những sai lầm lớn nhất của thập niên 1970, theo các chuyên gia, là đánh giá thấp vai trò của tâm lý công chúng. Khi người dân tin rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng, họ có xu hướng hành động theo kỳ vọng đó – từ chi tiêu đến đàm phán lương – vô tình khiến lạm phát leo thang, ngay cả khi nền kinh tế đang chững lại.

Phải đến khi Fed dưới thời Chủ tịch Paul Volcker mạnh tay nâng lãi suất, chấp nhận hai cuộc suy thoái liên tiếp, thì niềm tin vào khả năng kiềm chế lạm phát của Fed mới được phục hồi. Kết quả là kỳ vọng lạm phát được tái thiết lập và duy trì ổn định suốt thập niên 1980 và 1990.

Đó là bài học mà Chủ tịch Fed hiện tại, Jerome Powell, tuyên bố sẽ không quên – và không lặp lại.

“Tôi không thấy lý do để cho rằng chúng ta đang chứng kiến một kịch bản giống thập niên 70,” Powell phát biểu trong cuộc họp báo gần đây. “Lạm phát cơ bản hiện vẫn quanh mức 2%, có thể tăng nhẹ do thuế quan, nhưng không đáng lo ngại.”

Tuy vậy, ông nhấn mạnh: kỳ vọng lạm phát là “trọng tâm trong khung chính sách” của Fed. “Chúng tôi sẽ theo dõi mọi diễn biến rất, rất sát sao. Chúng tôi sẽ không xem bất kỳ điều gì là hiển nhiên”.

Tham khảo Reuters

>> GDP 'bốc hơi' vì bất ổn, doanh nghiệp 'tê liệt' vì thuế quan: Ông Trump sẽ khiến Mỹ trả giá đắt!

‘Ngày Giải Phóng’ 2/4: Mỹ chuẩn bị đòn thuế quan mạnh chưa từng có, quốc gia nào sẽ ‘chịu trận’?

Fed không còn che giấu nguy cơ đình lạm, thị trường chuẩn bị cho cú sốc lớn chưa từng có?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/bong-ma-lam-phat-di-kem-suy-thoai-nhung-nam-70-am-anh-nen-kinh-te-my-139118.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Bóng ma' lạm phát đi kèm suy thoái những năm 1970 ám ảnh nền kinh tế Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH