Chỉ tiêu mới cho xuất khẩu ngành gỗ năm 2022: 16,5 tỷ USD có quá sức?

17-12-2021 17:22|Minh Hiếu

Dù đối mặt nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2021 vẫn đạt kết quả ngoạn mục 15,6 tỷ USD, ngành hàng này dự kiến xuất siêu 12,6 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ đạt thành tích ngoạn mục

Ngày 17/12, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất, xuất khẩu gỗ năm 2021. Đánh giá lại giai đoạn khó khăn trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chia sẻ: Mới cách nay vài tháng chúng ta ngồi cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn do tình hình dịch bệnh và những rào cản thương mại, lúc đó ai cũng hết sức lo lắng và cảm thấy bất an trước diễn biến khó lường của dịch bệnh và gần như bế tắc. Thế nhưng chỉ trong vài tháng các doanh nghiệp ngành gỗ đã hồi phục thần tốc và đạt mức tăng trưởng ngoài mong đợi. Năm 2020 chúng ta đã tăng trưởng rất mạnh rồi nhưng năm nay khó khăn kéo dài như thế mà mức tăng lại còn mạnh hơn nữa, đó có thể gọi là kỳ tích.

Chia sẻ tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả năm 2021 và bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản cho năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức ngày 17/12, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: 11 tháng năm 2021 xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 14.27 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020. Ước giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2021 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020 trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 14,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020; xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 29,5% gồm: sản phẩm từ mây, tre 841 triệu USD, tăng 38,1%; sản phẩm từ quế, hồi 265,4 triệu USD, tăng 8,1%

Về thị trường, gỗ và lâm sản được xuất sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 13,98 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước.

Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 21,4% so với năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2020.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của doanh nghiệp FDI ước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020, chiếm 47,3% giá trị xuất khẩu lâm sản.

Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2021, Bộ NN-PTNT đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt trên 16,5 tỷ USD trong năm 2022.

go-xuat-khau.jpg
Kim ngạch xuất khẩu gỗ 2021 cao kỷ lục

Giá vận chuyển làm giảm lợi thế cạnh tranh

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp gỗ TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định đều nêu ra khó khăn lớn nhất là thiếu tàu vận chuyển và chi phí nguyên liệu gia tăng. Theo các hiệp hội, chi phí vận tải tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra. Một container hàng sang Mỹ hiện doanh nghiệp mất từ 20.000 - 30.000 USD, chi phí logistics tăng cao, thậm chí không tìm được kho tạm lưu hàng hóa.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phản ánh: Chi phí quá cao cộng vào giá thành khiến gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang bị lép vế cạnh tranh trên thị trường. Lợi thế của Việt Nam là giá nhân công rẻ nhưng khi giá vận chuyển tăng thì lợi thế này không còn nữa. Ví dụ nếu so với nước sản xuất khác như Mexico thì giá nhân công họ cao hơn Việt Nam nhưng họ lại gần bên cạnh Mỹ nên chi phí vận chuyển thấp. Về nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu thì các nhà cung cấp cũng chưa báo giá cho năm 2022 mà vẫn còn xem xét do diễn biến thị trường khó lường. Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước thì việc lưu thông cũng chưa thật sự thông suốt, giá xăng dầu tăng cao cũng tác động đến giá thành sản phẩm, vì vậy dự báo năm 2022 sẽ còn rất khó khăn.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - đánh giá, kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt xa mục tiêu đặt ra, một trong những nguyên nhân đáng chú ý là sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm khi Chính phủ chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang “sống chung” với dịch. Điều này được thể hiện rất rõ qua Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Bên cạnh đó, điểm quan trọng còn là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, vượt khó hướng tới phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp, hội, hiệp hội ngành gỗ đều có chung nhận định, Việt Nam đã phê chuẩn và đang triển khai theo lộ trình các FTA song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Điều này giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia FTA được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt vươn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đến sản xuất tiêu dùng sẽ tiếp tục là những thách thức tác động tới ngành công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian tới. Ngoài ra, các thị trường chính xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Đáng chú ý, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp. Chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng tăng; tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của nước ta.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, ông Đỗ Xuân Lập đề nghị doanh nghiệp được tiếp cận tiêm vắc xin mũi 3 sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cùng “chung tay” với doanh nghiệp chuyển dịch từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước. Muốn vậy, cơ chế chính sách về đất đai phải thay đổi mang tính đột phá. Các doanh nghiệp trong ngành cần thay đổi phương thức sản xuất, đóng gói, giao hàng.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan chức năng nhằm giảm thiểu rủi ro trong nguồn cung gỗ nhập khẩu, gian lận thương mại, kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện rà soát kỹ nguồn đầu tư FDI có tính rủi ro cao.

Năm 2021 có 203 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong ngành chế biến gỗ, trong đó có 46 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đáng lưu ý là số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thành lập cao hơn năm 220 nhưng nguồn vốn đăng lý kinh doanh lại thấp, chỉ đạt trung bình 1,6 triệu USD/doanh nghiệp, trong khi năm 2020 vốn đăng lý trung bình là 4,6 triệu USD/doanh nghiệp. Đây là việc rất đáng quan tâm. Tại sao quy mô và chất lượng dự án lại giảm nhiều như vậy? Hàm lượng công nghệ trong các dự án này như thế nào?

Ông Hà Công Tuấn - Nguyên Thứ trưởng Bộ NN - PTNT

Mang tiền đi đánh chứng, khoản đầu tư của Phú Tài (PTB) ‘bốc hơi’ 79%

'Thủ phủ' ngành gỗ Việt Nam sắp kín đơn hàng cả năm, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 4,2 tỷ USD

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chi-tieu-moi-cho-xuat-khau-nganh-go-nam-2022-165-ty-usd-co-qua-suc-130597.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chỉ tiêu mới cho xuất khẩu ngành gỗ năm 2022: 16,5 tỷ USD có quá sức?
    POWERED BY ONECMS & INTECH