Chiếc xe phân phối lớn mua từ tiền cướp ngân hàng Vietcombank được xử lý như thế nào?

10-01-2022 09:38|Hoàng Yến

Nghi phạm trong vụ cướp Ngân hàng Vietcombank Hải Phòng đã dùng tiền cướp được mua một chiếc xe môtô phân khối lớn mang nhãn hiệu Kawasaki ZX 10R.

Lời khai của nghi phạm

Liên quan đến vụ cướp tại Ngân hàng TMCP Vietcombank chi nhánh Đình Vũ, quận Hải An, TP. Hải Phòng vào chiều ngày 07/01/2021, Công an TP. Hải Phòng cho biết các trinh sát đã bắt giữ được đối tượng gây ra vụ việc.

Theo đó, nghi phạm được xác định là Nguyễn Văn Nam (24 tuổi, trú tại huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) bị bắt vào khoảng 23 giờ ngày 8/1 khi đang lẩn trốn tại tỉnh Thái Nguyên.

Tại cơ quan điều tra, Nam khai nhận, bản thân làm nghề xăm hình nghệ thuật và thường xuyên di chuyển ở nhiều tỉnh thành, khu vực phía Bắc.

Trong thời gian dịch bệnh COVID -19 không có việc làm nên không có tiền tiêu xài, thanh niên này đã nảy sinh ý định mua súng và công cụ hỗ trợ khác để đi cướp tiền tại ngân hàng.

Vào khoảng 15 giờ 8 phút ngày 7/1, nam thanh niên đeo khẩu trang, đội mũ lưỡi trai, mặc áo khoác đen, quần dài màu đen, đi giày vải màu trắng xuống từ xe taxi hãng Mai Linh vào trong phòng giao dịch Đình Vũ Vietcombank Hải Phòng thuộc tòa nhà Đình Vũ Plaza ngồi chờ.

Đến 15 giờ 26 phút, nam thanh niên này tới quầy giao dịch cầm một vật màu đen dạng súng ngắn từ trong người ra đe dọa bảo vệ và nhân viên ngân hàng, cướp đi số tiền khoảng 3,5 tỉ đồng (theo báo cáo của phòng Giao dịch Đình Vũ - Chi nhánh ngân hàng Vietcombank Hải Phòng) cho vào ba lô màu đen.

Quá trình đe dọa nhân viên và nhận tiền, đối tượng gây ra 1 tiếng nổ để uy hiếp, hối thúc nhân viên đưa tiếp tiền.

Sau khi cướp được tiền, đối tượng đi ra ngoài cửa tòa nhà dùng súng đe dọa anh N.T.H. (trú tại 48 Tôn Đản, Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) là chủ xe ô tô mang biển kiểm soát 15A- 15x.xx yêu cầu chở đi nhưng anh H. từ chối. Ngay sau đó, đối tượng tiếp tục đe dọa anh P.V.H. (ở An Tiến, huyện An Lão, TP. Hải Phòng) là bảo vệ của ngân hàng, lấy chiếc xe máy Honda Future mang biển kiểm soát 15D1- 22x.xx bỏ chạy về hướng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, huyện Cát Hải. Đến cầu vượt đường cao tốc, đoạn đang thi công thì đối tượng bỏ xe máy để lại trên cầu và tẩu thoát.

Quá trình lẩn trốn, Nam đã dùng tiền cướp được lên Hà Nội để mua một xe môtô phân khối lớn mang nhãn hiệu Kawasaki ZX 10R 1.000cm3 đời 2021 với giá hơn 700 triệu đồng, di chuyển lên TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc rồi tiếp tục đến thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên thuê nhà nghỉ.

Khi đang nghỉ ở phường Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên thì Nam bị các trinh sát hình sự khống chế, tước vũ khí là khẩu súng bắn đạn chì giấu trong người và thu khoảng 800 triệu đồng mang theo bên mình. Khám xét khẩn cấp tại nhà ở xã Nghĩa Lộ, cảnh sát tiếp tục thu giữ 400 triệu đồng được chôn sau vườn.

Xử lý chiếc xe phân phối lớn như thế nào?

Trao đổi với báo chí, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đối với chiếc xe máy phân khối lớn mà đối tượng này đã bỏ tiền ra mua thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ bên bán xe máy có biết tiền này là do phạm tội mà có hay không.

Theo đó, nếu chủ cửa hàng biết số tiền này là số tiền do phạm tội mà có nhưng vẫn bán cho đối thượng thì chủ cửa hàng sẽ bị khởi tố hình sự về tội tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có. Trong trường hợp đối tượng mua xe không nói đây là số tiền do cướp ngân hàng và người bán xe cũng không biết đây là đối tượng vừa cướp ngân hàng thì giao dịch mua bán này có thể hợp pháp nếu thủ tục mua bán đã hoàn tất.

Luật sư Cường cho biết: “Theo quy định của pháp luật, chiếc xe mô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, bởi vậy việc mua bán phải có hợp đồng bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục thì giao dịch này chưa hợp pháp, bên bán xe có quyền yêu cầu nhận lại chiếc xe này và nộp lại số tiền đã nhận của đối tượng gây án để trả lại cho phía người bị hại là ngân hàng”.

Ngoài ra, Luật sư Cường phân tích, trường hợp hành vi mua bán là trái pháp luật do người bán biết rõ đây là tài sản do phạm tội mà có thì việc mua bán này cũng sẽ bị hủy bỏ kể cả trường hợp mua bán đã thành công. Còn nếu mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục, việc mua bán chưa được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì việc mua bán này bị hủy bỏ, các bên trả lại tài sản cho nhau để khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp việc mua bán đã hoàn thành, hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, đã đăng ký theo quy định pháp luật. Tại thời điểm mua bán, bên bán không có nghĩa vụ phải biết và không thể biết được số tiền đó do phạm tội mà có thì hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật, bên bán được xác định là "người thứ ba ngay tình" theo quy định của bộ luật dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngày tình. Trong trường hợp này thì chiếc xe là tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có sẽ bị thu giữ, bị phát mãi để thu tiền trả lại cho bên bị hại. Còn số tiền bán xe trong hợp đồng được xác định là hợp pháp thì không có quyền đòi lại.

Từ những căn cứ trên, luật sư Cường cho rằng, việc mua bán chiếc xe mô tô Kawasaki ZX có hiệu lực pháp luật hay không, ý chí của các bên như thế nào là những yếu tố quan trọng để cơ quan tố tụng quyết định sẽ thu hồi số tiền hay thu giữ chiếc xe này để bán đi, hay trả lại cho cơ sở kinh doanh.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chiec-xe-phan-phoi-lon-mua-tu-tien-cuop-ngan-hang-vietcombank-duoc-xu-ly-nhu-the-nao-131120.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chiếc xe phân phối lớn mua từ tiền cướp ngân hàng Vietcombank được xử lý như thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH