Chiêm ngưỡng cây cầu hai tầng tầm cỡ ĐNA thập niên 80 ở miền Bắc, là cây cầu đầu tiên đầu tiếp cận hệ thống tụ nhiệt được mệnh danh “công trình thế kỷ”
Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội và được đánh giá là công trình tầm cỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó.
Nếu là người say mê với kiến trúc của những cây cầu trải dài trên khắp mọi miền Tổ Quốc thì chắc chắn không thể bỏ qua cầu Thăng Long (Hà Nội ), nơi đây là niềm tự hào của người dân Thủ đô những năm 80.
Theo đó, cầu Thăng Long (hay còn gọi Cầu Hữu Nghị Việt Xô), cây cầu bắc qua sông Hồng ở khu vực gần bến Chèm, thuộc địa bàn phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (bờ Nam). Đầu cầu còn lại thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh (bờ Bắc), cách nhau 1.688m và cách trung tâm Hà Nội 12km.
Cầu Thăng Long được xây dựng từ năm 1974 và khánh thành ngày 9/5/1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội và được đánh giá là công trình tầm cỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó. Cầu Thăng Long là công trình nằm trong Tổng thể đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội do Liên Xô  giúp đỡ xây dựng quy hoạch, và hiện nay nằm trên vành đai 3, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm.
Chiều dài cây cầu tính theo đường sắt dài hơn 5,5km, theo đường ô tô dài hơn 3,1km, theo đường xe thô sơ dài hơn 2,6km. Cầu có nhịp chính vượt sông dài 1.680m gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục mỗi liên có độ dài 336m. Đặc biệt, cây cầu này được thiết kế gồm 2 tầng: cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới, cầu đường ô tô nằm ở tầng trên.
Thông tin trên báo Vietnamnet cho biết, theo thiết kế ban đầu của Trung Quốc, cầu Thăng Long có kết cấu làm từ các tấm bê tông cốt thép dày hơn 14cm. Khi hoàn thành chỉ hết 3 triệu Rúp, tương đương khoảng 3 triệu USD thời kỳ đó. Sau đó, chuyên gia Liên Xô đã thiết kế cầu chính bằng dạng thép có các thanh dầm liên kết bằng bu lông cường độ cao; mặt cầu chính (hiện nay dành cho ô tô di chuyển) được làm từ các bản trực hướng bằng thép hợp kim.
Cho đến nay, cầu Thăng Long vẫn được coi là cây cầu có nhiều cái “đầu tiên” như: Lần đầu tiếp cận hệ thống tụ nhiệt; lần đầu tiên lắp cụm dầm thép; lần đầu tiên người thợ thi công cầu Việt Nam và Liên Xô cùng thi công lắp cụm dầm thép.
Hiện cây cầu này vẫn là cửa ngõ huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Bắc với lưu lượng phương tiện qua lại dày đặc mỗi ngày.
Cho đến nay, cầu Thăng Long vẫn được coi là cây cầu huyết mạch của Hà Nội.
Đến Hà Nội ngoài việc khám phá cầu Thăng Long, du khách có thể ghé qua những địa điểm độc đáo lân cận như:
Check-in trên Cầu Long Biên
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên nằm bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cây cầu được xem là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến biết bao thăng trầm trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp.
Tính cho đến nay, cây cầu đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp lịch sử hào hùng vốn có.
Vào những ngày cuối tuần, đến cầu Long Biên, bạn sẽ được chứng kiến một nhịp sống rất đậm chất thủ đô. Có chút gì đó đời thường chân thật nhưng cũng không kém phần hối hả. Đây cũng là nơi được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn để vui đùa, trò chuyện cùng nhau. Vì thế nó cũng chính là nơi lưu giữ lại những kỉ niệm của tuổi trẻ.
Chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị khi một lần được đặt chân đến cây cầu này và tìm hiểu về nó.
Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long thuộc địa bàn phường Quán Thánh và Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội với bốn mặt giáp với các tuyến đường trung tâm. Trái ngược với nhịp sống xô bồ, hiện đại của phố xá, Hoàng thành Thăng Long Hà Nội mang vẻ trầm mặc, tĩnh lặng. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nằm giữa lòng Hà Nội với bề dày lịch sử hơn 1.300 năm. Hoàng thành Thăng Long chứa đựng những di tích, di vật độc đáo, minh chứng cho lịch sử của Thăng Long – Hà Nội và lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thời đại.
Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm được coi là trái tim của người Hà Nội với vẻ đẹp dịu dàng thơ mộng cùng dấu ấn lịch sử lâu đời. Đây còn là hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội, kết nối các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ... với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền... Sở hữu vị trí đắc địa như vậy, Hồ Hoàn Kiếm trở thành địa điểm thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan trong hành trình khám phá thủ đô Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc
Nằm trên hòn đảo phía đông Hồ Tây, chùa Trấn Quốc từng vào top những ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Chùa có lịch sử 1.500 năm, là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và Trần. Công trình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962.
Năm 2003, chùa tổ chức khánh thành Bảo tháp Lục độ đài sen cao 15m với 11 tầng, thu hút du khách thập phương tìm về chiêm bái.
Chùa Một Cột
Khi nhắc đến những công trình kiến trúc ấn tượng, không thể bỏ qua chùa Một Cột. Năm 2012, tổ chức Kỷ lục Châu Á đã chính thức công nhận chùa Một Cột là "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á". Nó được xây dựng theo hình tượng của một đóa hoa sen nở trên mặt nước, tượng trưng cho sự tinh khiết và cao quý của Phật pháp. Nơi đây là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hoá của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.