Sống

Chiêm ngưỡng gần trăm cổ vật vô giá từ thời vua Khải Định

Quang Thành 25/08/2023 - 17:48

Hàng trăm cổ vật, là những ấn kiếm, kim sách, kim bảo từ thời vua Khải Định vừa được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trưng bày cho công chúng tham quan, chiêm ngưỡng.

Nhằm đánh dấu chặng đường 100 năm Museé Khải Định - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày với chủ đề Từ Museé Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Du khách mê mẩn chiêm ngưỡng kim sách triều Nguyễn.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ, ngày 17/8/1923, trong chỉ dụ cho phép thành lập Museé Khải Định, vua Khải Định đã viết: “Đất nước của trẫm đã nhận được từ các thế hệ đi trước những mẫu vật tuyệt đẹp của nghệ thuật cổ xưa, các mẫu vật này cần được bảo tồn cho việc hình thành, gìn giữ khiếu thẩm mỹ và tinh thần nghệ thuật cho các thế hệ mai sau”.

Áo lễ phục dưới thời vua Khải Định.

Năm 2023 là năm đánh dấu sự kiện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tròn 100 năm hình thành và phát triển.

Trải qua biến thiên của lịch sử, Bảo tàng đã nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng trụ sở chính vẫn là điện Long An và các thế hệ những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản cổ vật vẫn tiếp tục sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam.

Du khách thích thú, mê mẩn chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn.

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, điện Long An - tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng, nguyên là một ngôi điện nằm trong cung Bảo Định, xây dựng vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị, được đánh giá là cung điện đẹp nhất còn lại cho đến ngày nay.

Dưới thời vua Thành Thái, vì nhiều lý do khác nhau, cung Bảo Định bị triệt giải nhưng người ta vẫn giữ lại trong khuôn viên cũ ngôi điện Long An khá nguyên vẹn.

Ấn Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế chi bảo đúc năm Khải Định thứ 10 (trái), (1925) và Ấn Khải Định thần hàn đúc năm Khải Định thứ 1 (1916).

Tháng 6/1908, vua Duy Tân cho di dời trường Quốc Tử Giám từ làng An Ninh về xây dựng trong Kinh thành Huế, điện Long An cũng được di dời về dựng lại tại vị trí hiện nay với tên gọi mới là Tân Thơ Viện - nơi lưu giữ tư liệu phục vụ cho việc học tập của các học sinh trường Quốc Tử Giám.

Năm 1913, Hội Đô thành hiếu cổ được thành lập và xin phép triều đình lấy một góc của Tân Thơ Viện làm trụ sở.

Chiếc đỉnh bằng bạc niên hiệu Khải Định thứ 1 (1916).

Cũng từ đây, hàng ngàn hiện vật hội sưu tầm được đã đưa về cất giữ. Sau khi vua Khải Định ký dụ thành lập Museé Khải Định, điện Long An trở thành nơi trưng bày chính của Museé Khải Định.

Bộ đồ rượu bằng bạc, niên hiệu Khải Định 1916-1925 và bộ chén khay ngọc, vàng, niên hiệu Khải Định (1916-1925).

Theo ông Trung, nhắc đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ngày nay, không thể không nhắc đến Hội Đô thành Hiếu cổ. Hội Đô thành Hiếu cổ ra đời vào ngày 16/11/1913 trên cơ sở đề xuất của linh mục Leopold Cadìere với mục đích: “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận”.

An dân bảo kiếm được làm bằng sắt, vàng, đồi mồi, đá quý Niên hiệu Khải Định (1916-1925).

“Sau khi thành lập, các hội viên Hội Đô thành Hiếu cổ đã nỗ lực tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật đưa về cất giữ trong điện Long An. Số cổ vật do các hội viên thu thập ngày một tăng, là tiền đề để Khâm sứ Pasquier tác động với triều đình nhà Nguyễn và ngày 17/8/1923, vua Khải Định ký dụ cho phép chính thức thành lập tại Kinh đô Huế một bảo tàng, lấy tên là Museé Khải Định”, ông Hoàng Việt Trung thông tin thêm.

Ngai vàng - biểu tượng uy quyền của vua chúa triều Nguyễn,

Ngày 24/8/1923, Khâm sứ Pasquier đã ký Nghị định thực hiện chỉ dụ ngày 17 tháng 8 năm 1923 về việc thành lập Museé Khải Định tại Huế.

Trong dịp này, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã trưng bày, giới thiệu 100 hiện vật tiêu biểu thời vua Khải Định. Những hiện vật này là ấn kiếm, kim bảo, kim sách…có giá trị cao về mỹ thuật, văn hoá và giá trị lịch sử của triều Nguyễn nói riêng, Việt Nam nói chung.

Nhà gỗ gần 300 năm ‘nhất cận thị, nhị cận giang’ được công nhận di sản văn hóa thế giới như ‘bảo tàng sống’ lưu hàng trăm cổ vật

Việt Nam có ngôi nhà cổ gần 300 tuổi ở 'thành phố đẹp thứ 4 thế giới': Công trình không dùng đinh chứa nhiều cổ vật vô giá, được UNESCO công nhận là di sản

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/me-man-chiem-nguong-gan-tram-co-vat-vo-gia-tu-thoi-vua-khai-dinh-2181894.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chiêm ngưỡng gần trăm cổ vật vô giá từ thời vua Khải Định
    POWERED BY ONECMS & INTECH