Chiêm ngưỡng ngôi đình cổ đẹp nhất xứ Đoài xưa, là bối cảnh của bộ phim điện ảnh nổi tiếng
Ngôi đình một công trình kiến trúc nổi tiếng và quy mô của xứ Đoài xưa, nổi danh với câu ca “Đẹp đình So, to đình Cấn”.
Ngôi đình cổ đi vào thơ ca Việt Nam
Đình So tọa lạc tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, cách trung tâm TP. Hà Nội chưa đầy 20km. Đình So là một công trình kiến trúc lừng danh và quy mô bậc nhất của xứ Đoài xưa và nổi tiếng qua câu ca "đẹp đình So, to đình Cấn". Ngôi đình  được xây dựng từ năm 1673 đến nay đã 351 tuổi, thờ Tam vị Đại Vương là tướng nhà Đinh có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.
Ngôi đình nằm trên một khu đất rộng, với vị trí cao, hướng ra sông và tựa vào dãy núi. Trước cửa đình, có một ao nước lớn hình bán nguyệt được coi như điểm tụ thủy, tụ phúc dân trong làng.
Cổng tam quan của đình làng So được thiết kế đẹp mắt với một dãy bậc thang đá có 18 cấp dẫn xuống phía hồ bán nguyệt. Hai bên của bậc thang có hai hàng lan can làm từ đá, mỗi đầu được trang trí với hình ảnh đám mây mềm mại và sinh động, tạo nên cảm giác mây vờn và gió thổi.
Nằm trên thế đất hình con quy theo thế gối sơn đạp thủy. Phía sau đình là ngọn núi Vĩ Quy làm nền, phía trước đầu Quy là tòa nghi môn nhìn xuống hồ bán nguyệt. Bên ngoài đê là cánh đồng màu mỡ ven sông Đáy linh thiêng. Quanh đình có vườn cây trái lâu năm tạo ra một không gian xanh mát và tĩnh lặng.
Toàn bộ khuôn viên của ngôi đình được bao quanh bởi tường gạch trổ hoa hài hòa với nền sân được lát gạch đỏ. Ở hai phía tả hữu, được bố trí hai dãy nhà dài, mỗi dãy gồm 5 gian với mái ngói chạy dọc đến nhà Đại bái.
Ở phía trước của gian Đại bái, có bậc đá tam cấp và hai tượng rồng được chế tác từ đá đặt ở hai bên. Khi nhìn tổng thể, gian Đại bái toát lên vẻ cao rộng và vững chãi, được bao quanh bởi móng đá xanh. Hệ thống cửa bức bàn và các chắn song con chạy dọc về hai phía tạo ra cảm giác mộc mạc và cổ kính.
Bên trong đình So, không gian cao rộng thoáng đãng bao gồm 7 gian hai chái. Gian Đại điện nằm chính giữa và trưng bày các vật phẩm thờ cúng quý giá. Đây là nơi đặt án hương thờ nhà Thánh và cũng là địa điểm tổ chức các nghi lễ quan trọng trong dịp hội hè và lễ Tết.
Gian đại bái trưng bày nhiều đồ thờ quý giá, bao gồm 4 bộ kiệu sơn son thếp vàng phủ nhiễu điều, 2 chiếc trống cái lớn làm từ da trâu, cùng với một đôi hạc và một đôi lọng được đặt ở hai bên án thờ. Ngoài ra, còn có nhiều vật phẩm thờ cúng bằng sứ và đồng có giá trị.
Đình So không chỉ là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử từ thời Đinh đến thời Nguyễn mà còn nổi bật với kiến trúc và trang trí mỹ thuật độc đáo. Trước chính điện, có một bộ cửa võng sơn son lộng lẫy. Phía sau là Hậu cung, nơi đặt ba bộ ngai thờ Tam vị Đại Vương, chỉ mở cửa trong những dịp hội làng và chỉ cho phép một số người có bổn phận cụ thể được vào để phục vụ Thánh.
Đình So đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử  và các đợt trùng tu, điều này đã tạo ra sự đa dạng trong kỹ thuật và phong cách thể hiện trang trí trong đình. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố này vẫn tạo ra một sự tổng thể và thống nhất, làm nổi bật giá trị không gian và thẩm mỹ của đình So cũng như các ngôi đình Việt Nam nói chung.
Đình So cũng được lựa chọn làm bối cảnh của nhiều bộ phim điện ảnh và gần đây nhất nổi tiếng với bộ phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ.
Với kiến trúc  độc đáo, lưu giữ những giá trị lịch sử quý báu cùng tuổi đời hàng trăm năm, đình So đã được xếp hạng di tích  quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Truyền thuyết về đình So
Đình So là nơi thờ 3 vị Thành hoàng làng Hiện Hồ, Thiên Gia, Mệnh Gia, những người có công lớn trong việc giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Theo truyền thuyết dân gian, 3 ngài được xem là con của thủy thần và sinh vào ngày 8 tháng 2 âm lịch đầu thai sống cùng người phàm. Cả ba đều giỏi việc sông nước và có kiến thức uyên bác về võ nghệ, vì vậy vua Đinh Tiên Hoàng đã giao cho họ nhiều trọng trách quan trọng.
Tướng quân Hiện Hồ được bổ nhiệm làm Chỉ huy sứ, tướng Thiên Gia được phong làm Đô úy, còn Mệnh Gia tướng quân được phong làm Hiệu úy cầm quân dẹp loạn, nhiều lần có công cứu giá.
Sau khi giặc loạn tan, dân chúng sống thái bình, 3 ngài cùng lâm bệnh và về trời vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch. Vua Đinh Tiên Hoàng vô cùng thương xót và để tri ân công lao của Hiện Hồ bằng cách phong ông là "Đống Linh Thông hiệu Nguyên Súy Đại Vương", còn Thiên Gia và Mệnh Gia được phong là "Nguyên Súy Đại Vương".
Đình làng So tổ chức ba lễ lớn trong năm, bao gồm lễ hội từ ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, lễ khao quân vào ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch và lễ Thánh hóa vào ngày mùng 10 tháng 12 âm lịch. Hội làng So diễn ra trong khoảng 3 ngày, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch, với nhiều hoạt động tế lễ, rước kiệu, bắt dê mũi cắt mắt, hát hò và các sự kiện thể thao khác.
Sau khi đến tham quan đình So, du khách  cũng có thể đến khám phá làng nghề làm miến dong tại đây và mua miến về làm quà.