'Chiến binh' K đi xuyên Việt 2.500km bằng xe đạp: ‘Tôi đi không phải để chứng minh mình mạnh mẽ, mà là để cảm nhận cơ thể mình đang sống’
Bệnh tật có thể lấy đi nhiều thứ, nhưng không thể dập tắt tinh thần của một người quyết định sống trọn vẹn đến giây phút cuối cùng.
Nhắc tới căn bệnh “ung thư ”, người ta thường nghĩ ngay đến “án tử”.
Căn bệnh quái ác ấy đến với con người như một cơn bão không hề được dự báo trước. Nó ập đến bất ngờ, cuốn phăng mọi dự định, mọi kế hoạch, mọi bình yên tưởng chừng vững chãi. Và rồi, trong cơn choáng váng vô định ấy, nhiều người rơi vào trạng thái mất phương hướng, mất niềm tin, mất cả lý do để tiếp tục sống…Nhưng cũng có những người, dù chỉ còn ánh sáng le lói, vẫn không lùi bước. Họ chọn đối diện, họ chọn sống và anh Vũ Minh Định, sinh năm 1988 ở Lạng Sơn, là một trong số đó.

Một Đảng viên trẻ, một thanh niên tiên phong với hàng loạt danh hiệu đáng tự hào: Thanh niên trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2017; Đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2019; Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2020; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo năm 2020... Hằng năm, anh được nhận nhiều khen thưởng của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện. Năm 2023, trong Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi, anh xuất sắc đạt giải Nhất cấp huyện và đạt giải Nhì cấp tỉnh.
Nhìn phong thái điềm tĩnh, gương mặt sáng, giọng nói khỏe và rõ – ít ai nghĩ rằng người đàn ông này đang chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi quái ác. Đặc biệt hơn, chỉ mới đây thôi, anh Định vừa hoàn thành hành trình đạp xe xuyên Việt 2.500km, một thử thách mà ngay cả những người khỏe mạnh cũng phải đắn đo trước khi dấn bước.
Khi sự sống bị thách thức
Tôi có dịp ngồi lại cùng anh Định, lắng nghe anh kể về những tháng ngày tuổi trẻ đầy khó khăn và chông chênh. Hành trình của anh bắt đầu từ con số không, từng bước dựng lên những viên gạch đầu tiên cho cuộc sống của chính mình cho đến lúc anh chiến đấu với bệnh tật. Càng nghe, tôi càng thấy cảm phục trước ý chí kiên cường của anh – một chàng trai xuất thân từ nghèo khó nhưng chưa bao giờ chấp nhận đầu hàng số phận.

Anh Định là một tấm gương thanh niên tiêu biểu (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Năm 2005, vừa tốt nghiệp cấp ba, anh Định quyết định học tiếp lên đại học. Không chọn con đường dễ dàng, anh đăng ký học cùng lúc hai trường: Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên và Trường trung cấp nghề. Xuất thân từ một gia đình nghèo, anh hiểu rằng mình không thể chỉ trông chờ vào cha mẹ. Vì vậy, anh quyết định học trung cấp trước để sớm có bằng, kiếm việc làm, tự nuôi bản thân và hoàn thành chương trình đại học, vì phía sau anh còn có hai em nhỏ.
Anh Định tốt nghiệp trung cấp với thành tích xuất sắc, nằm trong top 5 sinh viên giỏi nhất toàn khóa và được trường giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, khi có cơ hội lên Sơn La làm việc, anh lại từ chối. Anh chia sẻ: “Không phải vì tôi chê công việc, mà vì tôi nhận ra làm ngành điện đồng nghĩa với việc phải đi công trình, xa nhà, không thể chăm sóc bố mẹ, em út và cũng khó có sự ổn định lâu dài”.
Cũng chính thời điểm đó, anh Định đưa ra một quyết định táo bạo - nghỉ học đại học: “Tôi quyết định nghỉ hẳn đại học, dù lúc đó chưa ai biết. Ba tháng sau, khi tôi đã đi làm thuê rồi, gia đình mới biết tôi không học nữa”, anh Định nói.
Với quyết tâm thay đổi cuộc sống, anh Định chọn học nghề sửa chữa điện thoại di động. Học nhanh, nắm bắt tốt, chỉ một thời gian ngắn sau, năm 2007, khi vừa tròn 19 tuổi, anh chính thức bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình, mở một cửa hàng sửa chữa điện thoại nhỏ.
Không có vốn liếng dư dả, anh vay mượn, tận dụng căn nhà của bố mẹ làm điểm tựa để bắt đầu. Thế rồi, từ cửa hàng sửa chữa điện thoại nhỏ, anh từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh. Năm 2009, anh mở thêm cửa hàng điện máy – bán tivi, tủ lạnh. Năm 2014, mở nhà hàng. Năm 2017, mở siêu thị xe máy – xe điện. Rồi dần dần, mở thêm cơ sở thứ hai, thứ ba. Đến năm 2023, anh lấn sân sang kinh doanh vàng bạc, trang sức.
Một cột mốc đáng nhớ phải kể đến năm 2020, khi anh Định đăng ký học thêm Đại học Kinh tế Quốc dân – ngành Quản trị kinh doanh. Anh Định gọi đây là học bù lại cho những năm tháng tuổi trẻ chưa có điều kiện đi học. Đến năm 2024 anh Định vừa mới có bằng. Tuy nhiên, lần trở lại giảng đường này gắn liền với một ký ức mà anh không bao giờ quên.
Anh Định chia sẻ: “Lúc phát hiện bệnh, chỉ cách ngày tôi đi thi môn cuối cùng 1 ngày. Vậy mà hôm sau, tôi vẫn… đi thi như các bạn. Tôi nghĩ đơn giản nếu bỏ thì không biết bao giờ mới quay lại được. Sau này con tôi nhìn thấy cái bằng ấy, nó biết rằng bố nó đã từng học, từng cố gắng nhiều như thế nào”, anh Định xúc động chia sẻ.
Với anh Định, việc học không chỉ là kiến thức, mà còn là một lời khẳng định với chính bản thân và gia đình rằng anh chưa từng bỏ cuộc, dù là trong hoàn cảnh nào. “Tôi quen rồi. Mọi thứ trong đời tôi đều phải tự bước qua. Nên lần này cũng vậy – tôi sẽ không để nó quật ngã mình dễ dàng", anh Định nói.
Khi nhắc đến động lực giúp anh giữ được tinh thần kiên định đến như vậy, anh Vũ Minh Định chia sẻ: "Tôi nghĩ đến ba đứa con của mình. Chúng còn quá nhỏ. Lúc đó, năm 2023, đứa út vừa mới 4 tuổi, sinh năm 2019, một đứa sinh năm 2014, một đứa 2017. Cả 3 đều rất cần có bố. Đặc biệt là vợ tôi, người luôn đồng hành cùng, không chỉ trong cuộc sống gia đình mà còn trong công việc. Chính họ đã tiếp thêm sức mạnh để tôi không gục ngã”.
Tôi từng nghĩ, người bệnh – nhất là những người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo thường sẽ sống thu mình lại, chậm hơn, tĩnh lặng hơn. Nhưng rồi, sau cuộc trò chuyện với anh Định, tôi hiểu ra rằng có những người, càng đứng gần với lằn ranh sinh tử, họ lại càng sống mãnh liệt hơn, sâu sắc hơn và trao đi nhiều hơn.
Hơn ai hết, anh Định có một niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ đánh bại bệnh tật: “Tôi vẫn tự lắng nghe cơ thể mình và tôi cảm thấy nó vẫn đang ổn, tôi nghĩ tôi sẽ khỏe lại thôi”, anh Định nói.
Tất thảy những kỳ vọng đó của anh Định là kết quả của những gì anh đã sống, đã trải qua, đã nhìn thấy. Anh đã từng không gục ngã trong nghèo khó, đã từng gây dựng sự nghiệp từ bàn tay trắng, đã từng đứng dậy từ hóa chất, từ dao mổ… thì bây giờ, anh Định vẫn đứng vững, bằng “niềm tin”.
Hành trình đạp xe xuyên việt
Sau những ngày đầu đối diện với chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 3B, Vũ Minh Định không chọn cách nghỉ ngơi hoàn toàn hay sống khép mình. Thay vào đó, anh tiếp tục làm việc, hoàn thành kỳ thi đại học dang dở và nhận bằng vào năm 2024, rồi lặng lẽ lên kế hoạch cho một chuyến đi tưởng như chỉ tồn tại trong ý nghĩ của những người đang sống khỏe mạnh.
7 giờ sáng ngày 13/2/2025, anh Định đạp xe từ thị trấn Na Sầm đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) để bắt đầu hành trình với đích đến là mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
“Tôi nghĩ đơn giản thôi. Nếu một hành trình như thế này mà mình còn không vượt qua được, thì làm sao mình có thể chiến thắng được bệnh tật?”, Anh Định chia sẻ.
Trên quãng đường đi của mình, anh Định thường bắt đầu hành trình từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 19 giờ với quãng đường khoảng 130km/ngày. Anh Định lựa chọn cung đường không có quá nhiều phương tiện giao thông đi lại với vận tốc tùy theo đặc điểm địa hình.

Trên quãng đường đi của mình, anh Định thường bắt đầu hành trình từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 19 giờ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Đặc biệt, Anh Định không đặt ra bất kỳ giới hạn nào cho bản thân. Không áp lực phải đi bao xa mỗi ngày, không đặt mục tiêu chinh phục bao nhiêu cây số. Nếu mệt, anh dừng lại. Nếu khỏe, anh đi xa thêm.
"Tôi đi không phải để chứng minh mình mạnh mẽ. Tôi đi để cảm nhận rằng mình còn sống. Còn thở. Còn nhìn thấy đất trời. Còn nghe được tiếng gió, tiếng mưa. Còn cảm nhận cơ thể mình chuyển động".
Trên hành trình ấy, không có xe hậu cần, không đoàn quay phim, không ai chạy sau hỗ trợ. Chỉ có anh, chiếc xe đạp và con đường phía trước. "Tôi không muốn nó trở thành một điều gì to tát. Tôi đi hoàn toàn phi lợi nhuận. Không có tài trợ. Không có mục tiêu truyền thông. Chỉ là tôi muốn đi, thế thôi", anh Định chia sẻ.

Trên hành trình của mình, anh Định đã trải qua những trải nghiệm đáng nhớ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nói đoạn, anh Định kể lại một khoảnh khắc khiến anh bật cười và nhớ mãi. Anh bảo rằng, không phải vì nó đặc biệt, mà vì nó chân thật, đời thường đến lạ.
“Ở Quảng Ngãi, tôi ghé vào một quán mía ven đường. Bà cụ bán mía nhìn tôi rồi bảo: ‘Con ơi, sao không chịu khó đi làm, kiếm tiền mua cái xe máy mà đi? Đi xe đạp khổ quá!. Tôi chỉ cười, đáp: Dạ, con về con sẽ tìm việc rồi con làm ạ”.
Không ai biết anh là ai. Càng không ai biết anh đạp xe xuyên Việt khi đang điều trị ung thư. Nhưng trong sự giản dị của cuộc đối thoại, có gì đó rất chân quê, mộc mạc, gần gũi, quan tâm nhau không vì bất kỳ lý do nào.
Sau gần 20 ngày rong ruổi trên hơn 2.500km, băng qua nhiều tỉnh thành, anh Định cuối cùng cũng đặt chân đến mũi Cà Mau, đánh dấu điểm kết thúc cho hành trình đạp xe xuyên Việt của mình.
Anh Định chia sẻ: “Trong suốt hành trình, tôi luôn lắng nghe cơ thể mình, nghỉ ngơi hợp lý và không quên giờ uống thuốc. Điều kỳ diệu là khi được vận động, khám phá những vùng đất mới, trò chuyện với mọi người, tôi cảm thấy lạc quan hơn bao giờ hết. Tôi không biết liệu mình có cơ hội thực hiện một chuyến đạp xe xuyên Việt lần thứ hai hay không, nhưng với tôi, hành trình này đã là một kỷ niệm đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời”.

Sau gần 20 ngày rong ruổi trên hơn 2.500km, băng qua nhiều tỉnh thành, anh Định cuối cùng cũng đặt chân đến mũi Cà Mau (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Với Vũ Minh Định, đạp xe xuyên Việt không phải là một lần "chơi lớn". Đó là cách để lặng lẽ xác nhận với chính mình rằng, “mình vẫn còn sống một cách trọn vẹn nhất”.
"Tôi đã chọn sống, bằng tất cả niềm tin"
Sau hành trình đạp xe xuyên Việt, anh Vũ Minh Định trở về nhà tiếp tục điều trị. Anh không gọi đó là “chiến thắng”, cũng không nhận mình là người “truyền cảm hứng”. Anh chỉ nói đơn giản: "Tôi đã chọn sống, bằng tất cả niềm tin".

Đối với bệnh ung thư, anh Định dùng tinh thần lạc quan để chiến đấu (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cuộc đời anh Vũ Minh Định sau biến cố bệnh tật, đã rẽ sang một hướng khác, không còn ồn ào, không còn vội vã, anh chọn đi chậm lại, để lắng nghe chính mình. Khi được hỏi: “Anh có cảm nhận gì sau tất cả những gì đã đi qua?”
Anh Định nhìn xa xăm một lúc, rồi nhẹ nhàng đáp: “Thực ra, không ai cảm thấy may mắn khi bị bệnh đâu. Câu đó nghe hơi buồn cười. Nhưng sau từng ấy thời gian điều trị, tôi nhận ra rằng, bây giờ mới là cuộc sống thật sự của mình”.
Anh Định kể, trước đây bản thân anh cũng giống như bao người đang cuốn vào guồng quay của công việc, của trách nhiệm, của áp lực phải thành công. Mỗi ngày bắt đầu từ sáng sớm, kết thúc sau nửa đêm. Đầu óc luôn nghĩ đến “phải làm thêm cái này”, “chốt nốt cái kia”, “lo cho nhân sự”, “lo cho dòng tiền”…Không bao giờ thấy đủ. Không bao giờ thấy hài lòng với những gì mình đang có. Chỉ đến khi bác sĩ nhìn thẳng vào mắt anh, nói về một khối u không thể mổ, về một tiên lượng sống chỉ còn dưới 10% trong 5 năm, anh Định mới thực sự dừng lại.
Anh Định chia sẻ, trước đây, anh từng nghĩ mạnh mẽ là gồng mình lên, là làm thật nhiều, kiếm được thật nhiều, giữ vai trò thật to. Nhưng giờ đây, anh có cái nhìn khác hoàn toàn: “Mạnh mẽ không phải là to tiếng, không phải là lời nói, càng không phải là cơ bắp. Mạnh mẽ là khi mình đủ vững ở bên trong. Là bản thể mình đủ tĩnh. Lúc đó, bệnh tật hay bất cứ thứ gì cũng không thể kéo mình gục xuống”, anh Định nói.
Nếu những ngày trước kia, cuộc đời của anh Định là một guồng quay không có điểm dừng thì bây giờ, mỗi ngày của anh đã thay đổi đi rất nhiều. Anh Định chia sẻ, để chiến đấu với bệnh tật, anh dậy từ khi trời còn chưa sáng hẳn. 5 giờ kém, dậy uống thuốc, kiểm tra lại cơ thể xem “nó hôm nay đang ở trạng thái nào”, không hối hả, không gồng mình, chỉ lắng nghe.
Có những buổi sáng mát trời, anh Định còn chạy bộ chừng 5km. Sau bữa tối, khoảng 9h30 đến 10h, anh tham gia nhóm thiền online – nơi có sự góp mặt của một vài sư thầy, sư cô và những người bạn đồng tu. Họ ngồi cùng nhau 30 phút mỗi đêm, không cần nói gì nhiều, chỉ lặng lẽ hít vào – thở ra.

Anh Định vẫn rất tích cực rèn luyện thể thao mỗi ngày (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Có câu nói rằng, chữa lành là khi bạn bắt đầu sống khác đi. Với anh Định, điều đó đúng một cách giản dị. Anh không còn làm điều hành trực tiếp nữa, công ty vẫn hoạt động, nhân sự vẫn làm việc nhưng mọi thứ đã được phân quyền rõ ràng.
Nói về thông điệp muốn gửi gắm đến mọi người, anh Định nhấn mạnh, ngoài sự chăm sóc của các bác sĩ và công nghệ y học, tinh thần của người bệnh cũng là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Anh tin rằng, mỗi người chiến đấu với ung thư không đơn độc, mà là một phần trong cộng đồng những chiến binh K – những người mạnh mẽ, kiên cường và không bao giờ bỏ cuộc.
“Bệnh tật có thể làm ta đau đớn, nhưng tinh thần sẽ là thứ giúp ta vững bước. Khi ta tin vào bản thân, vào đội ngũ y bác sĩ và vào sự tiến bộ của Y học, chúng ta có thể chiến thắng mọi thử thách”.

Anh Định tin rằng, mỗi người chiến đấu với ung thư không đơn độc, mà là một phần trong cộng đồng những chiến binh K (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cách anh Định đối diện với ung thư, với cuộc sống, sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ lại.Tôi tin rằng, câu chuyện của anh Định sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người không còn sợ hãi khi đối mặt với bệnh tật và là nguồn cảm hứng để mỗi chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.
Cô gái phát hiện mắc ung thư máu nhờ chẩn đoán của Chat GPT
Diva Hồng Nhung xạ trị ung thư lần ba: Sợ hãi, tiết lộ tình trạng bất ổn