Chính phủ đề nghị kiểm toán 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 bị bỏ hoang hơn 1 thập kỷ
Theo Nghị quyết số 34/NQ-CP, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 theo quy định.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai  và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Theo đó, các giải pháp thực tế, khả thi sẽ được triển khai để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa hai cơ sở này vào hoạt động.
Trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách và pháp luật hiện hành, Chính phủ yêu cầu việc xử lý khó khăn phải đảm bảo tính khả thi, đồng thời tiếp tục đầu tư theo tổng mức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu cần bổ sung kinh phí để hoàn thiện và vận hành đồng bộ hai dự án, Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc giải quyết vướng mắc sẽ căn cứ trên hồ sơ pháp lý, tài liệu từ chủ đầu tư, hiện trạng công trường và kết quả thanh tra, kiểm toán từ các cơ quan chức năng.

Về cơ chế và giải pháp xử lý, Chính phủ cho phép điều chỉnh hợp đồng đối với các gói thầu XDBM-01, XDBM-02; XDVĐ-01, XDVĐ-02 nhằm đảm bảo việc tiếp tục thực hiện và hoàn thành các hợp đồng này theo các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, giá hợp đồng điều chỉnh được xác định dựa trên dự toán thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, sau khi áp dụng tỷ lệ (%) tiết kiệm từ kết quả đấu thầu của từng gói thầu.
Thứ hai, việc điều chỉnh giá hợp đồng không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt.
Thứ ba, giá trị thanh toán hợp đồng được xác lập dựa trên khối lượng thực tế hoàn thành, đã nghiệm thu, cùng với đơn giá hợp đồng chi tiết được điều chỉnh tương ứng tại thời điểm nghiệm thu thanh toán.
Ngoài ra, giá trị thanh toán khối lượng trong hợp đồng không được vượt quá giá hợp đồng điều chỉnh (chưa bao gồm chi phí dự phòng). Chi phí dự phòng (nếu có) trong dự toán thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt chỉ được sử dụng để thanh toán cho khối lượng phát sinh tăng (nếu có) so với khối lượng trong thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt.
Chính phủ giao Bộ Y tế  chịu trách nhiệm chỉ đạo chủ đầu tư nhanh chóng điều chỉnh hợp đồng và triển khai thi công hai dự án theo đúng cơ chế, giải pháp đã đề ra. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành xây dựng trong năm nay, đồng thời đảm bảo đầy đủ điều kiện về nhân lực để vận hành ngay khi dự án đi vào hoạt động.

Về nguồn vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc bố trí bổ sung vốn còn thiếu theo đúng quy định. Bộ Xây dựng tiếp tục thẩm định dự toán thiết kế kỹ thuật hạng mục cơ điện của hai dự án, đồng thời hướng dẫn Bộ Y tế và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện nghị quyết, trong khi Kiểm toán Nhà nước  có trách nhiệm kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo quy định. Các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về nội dung, số liệu báo cáo cũng như việc thực thi các giải pháp xử lý vướng mắc.
Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng, với kỳ vọng trở thành hai bệnh viện hiện đại bậc nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đến tháng 10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, sau đó thông báo tạm thời dừng hoạt động.
Trong khi đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành mà chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Cả hai bệnh viện đều được xây dựng với quy mô 1.000 giường bệnh mỗi cơ sở, tổng diện tích sàn lên tới 100.000m²/bệnh viện. Tổng mức đầu tư cho mỗi bệnh viện xấp xỉ 5.000 tỷ đồng.
>> Bộ trưởng Y tế nói rõ 3 lý do Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 'đắp chiếu'