Tài chính Ngân hàng

Chính phủ yêu cầu trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và Dong A Bank trước 20/12

Hà Anh 12/12/2024 - 17:30

Ngoài Vietcombank và MB, hiện còn có hai ngân hàng khác là VPBank và HDBank cũng đã công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.

Tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Một nội dung khác đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình phương án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại (Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng TMCP Đông Á) trước ngày 20/12/2024.

Thủ tướng cũng yêu cầu sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, không để chậm trễ hơn.

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Sau chuyển giao, CB và Oceanbank tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ; được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định. Đồng thời, CB và Oceanbank là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính (BCTC) vào BCTC hợp nhất của Vietcombank và MB.

Ngoài Vietcombank và MB, hiện còn có hai ngân hàng khác là VPBank và HDBank cũng đã công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.

>> Thông tin mới nhất về 2 ngân hàng 0 đồng sau chuyển giao bắt buộc

Thông tin mới nhất về 2 ngân hàng 0 đồng sau chuyển giao bắt buộc

Lãnh đạo ngân hàng '0 đồng' OceanBank, CB nói gì sau chuyển giao bắt buộc?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-yeu-cau-trinh-phuong-an-chuyen-giao-bat-buoc-gpbank-va-dong-a-bank-truoc-2012-265478.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chính phủ yêu cầu trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và Dong A Bank trước 20/12
    POWERED BY ONECMS & INTECH