Ai cũng lo lắng rằng mấy tháng hè con sẽ sao nhãng việc học, ở nhà một mình không có bố mẹ vừa không an toàn, không chăm lo được việc ăn uống, ngủ nghỉ, con lại mê mẩn chơi game, xem điện thoại ảnh hưởng mắt và tư duy.
Với trẻ con vùng nông thôn, dịp nghỉ hè  là thời gian vui vẻ, hào hứng nhất năm vì có thể được vui chơi thỏa thích mà không cần lo dậy sớm đi học, không cần làm bài tập về nhà. Những ngày hè, phụ huynh ở quê cũng không quá lo lắng về việc không có gì để cho con chơi, khiến con nhàm chán vì luôn có ti tỉ trò vui từ nhà ra đồng khiến con trẻ thích mê.
Thế nhưng, phụ huynh và trẻ con ở phố lại không như thế. Cứ đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, trên mạng xã hội lại xuất hiện loạt bài "cảnh báo" hội phụ huynh sắp đến kỳ nghỉ hè của con. Nhiều người thở dài ngao ngán, lo lắng vì không biết phải làm thế nào, con cái trông nom ra sao. Người lại tìm đủ mọi cách để con hạn chế xem ti vi, điện thoại khi ở nhà một mình.
Chị T quê ở Nghệ An nhưng vào Bình Dương làm việc, sinh sống. Chị có con gái đang học lớp 3. "Khi con mới lên lớp 1, dịp hè tôi gửi cháu sang trường mầm non cũ để nhờ các cô trông nom, cuối tháng gửi các cô thêm ít chi phí tiền ăn của con. Vì các cô dạy con, cũng đều đã quen thân nên tôi hoàn toàn yên tâm. Nhưng hè năm con học lớp 2, thấy con đã lớn, nếu đến trường mầm non, học và chơi cùng các em nhỏ 3, 4 tuổi cũng buồn. Vì thế tôi gửi con về quê cùng bà ngoại chơi 1 tháng rồi vào lại thành phố”.
Chị T cũng thừa nhận rằng con về quê được rèn luyện khá nhiều. Trước đó, khi ở với bố mẹ, con gái chị rất lười ăn và ăn chậm, không tự tắm rửa. Thường bố mẹ phải nịnh nọt, nhắc nhở rất nhiều con mới chịu ăn cơm. Thế nhưng khi về quê ở với bà ngoại, con tự giác ăn cơm, tự giác tắm, cất gọn đồ đạc của mình, tự lập hơn rất nhiều.
Chưa kể, khi về quê  được tiếp xúc với nhiều người, từ những cô chú hàng xóm đến bạn bè cùng trang lứa cạnh nhà nên con cũng dạn dĩ, mạnh dạn trò chuyện với mọi người hơn.
“Năm nay, tôi dự tính mua vé máy bay để bà ngoại vào Bình Dương chơi vừa trông cháu dịp hè. Thế nhưng vé máy bay đắt đỏ quá nên đành lùi lại, đến giờ chưa biết làm thế nào để trông con trong những ngày hè", chị T nói.
Trong khi đó, chị L.T, quê ở Yên Bái, hiện đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội, lại khá thoải mái khi cho biết hè này, cô con gái 5 tuổi sẽ về quê ở cùng ông bà ngoại. Cô chia sẻ rằng cả hai vợ chồng đều làm việc ở công ty tư nhân, thời gian không thoải mái, dư dả nên không trông con được. Trong khi đó, con còn quá nhỏ, chưa thể tự túc ăn trưa, ngủ nghỉ nên vợ chồng cô quyết định cho con về quê chơi 1, 2 tháng.
Chị H.L, quê ở Nghệ An đang sống ở Hà Nội, cũng đau đầu vì chuyện con cái chuẩn bị nghỉ hè. Cô có 3 đứa con, con gái đầu học lớp 1 chuẩn bị lên lớp 2, 2 con trai sinh đôi năm nay 5 tuổi. Chỉ cần ở nhà cùng nhau là 3 chị em rất nghịch, chạy chơi, la hét ầm ĩ. Chính vì thế, những ngày nghỉ hè vô cùng "sôi động" và "nhức đầu" khiến chị H.L vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, chị không muốn cho con về quê vì 3 đứa trạc tuổi nhau, lại rất nghịch, ông bà nội ngoại đã già nên cũng không tiện chăm các cháu.
"May mắn, gia đình mình buôn bán tự do, có một shop quần áo nên không bị bó hẹp thời gian. Mình tính rằng có ngày thì đưa các con lên shop chơi, ngày thì chia nhau ở nhà trông con", chị H.L nói.
Chị H.L còn hài hước kể thêm rằng ở nhóm chat chung cư, mọi người cũng bàn nhau về kỳ nghỉ hè của con. Có phụ huynh kể rằng cho con 8, 9 tuổi đi nhặt ve chai ở quanh khu chung cư, trong khoảng thời gian nhất định, lúc thời tiết còn mát mẻ để hạn chế con ở nhà xem ti vi, điện thoại . Có người lại nói rằng hè năm trước, ở quê gửi nông sản, hoa quả ở quê lên, cô cho con bé 10 tuổi ngồi bán hàng cùng mẹ.
Ai cũng lo lắng rằng mấy tháng hè con sẽ sao nhãng việc học, ở nhà một mình không có bố mẹ vừa không an toàn, không chăm lo được việc ăn uống, ngủ nghỉ, con lại mê mẩn chơi game, xem điện thoại ảnh hưởng mắt và tư duy. Chính vì thế, không ít người nghỉ ra đủ “chiêu thức” để rèn luyện con cái, tạo cho con nhiều cơ hội học hỏi, tư duy khác ngoài ti vi, điện thoại.
‘Học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan’: Hằn học của người lớn đừng đổ đầu con trẻ 
Sự thật vụ 'học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ’