Chủ tịch Kinh Bắc (KBC): 'Người dân, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư'
"Trong khi không ít nơi xảy ra xung đột, Việt Nam là nơi yên bình và cũng đang là “cái nôi” xuất khẩu cho thế giới”, ông Tâm chia sẻ.
Ngày 23/7/2024, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức thành công Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới". Từ đầu cầu NewYork, trong khuôn khổ chuyến công tác với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC ) cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn ông gặp tại đây ngỏ ý mong muốn đến Việt Nam để đầu tư.
“Họ nghe nói Việt Nam đang như “thiên đường đầu tư” trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới đều chao đảo. Trong khi không ít nơi xảy ra xung đột, Việt Nam là nơi yên bình và cũng đang là “cái nôi” xuất khẩu cho thế giới”, ông Tâm chia sẻ.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC) |
Cũng theo ông Tâm, kinh tế thế giới hiện nay đang có nhiều yếu tố bất định, các thị trường lớn đang rơi vào vòng xoáy khốc liệt của cuộc chiến cạnh tranh kinh tế. Ông Tâm cho rằng Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy đó nhưng đã may mắn khi tìm ra "lối thoát" riêng và đang ở trong trục hưởng lợi của các làn sóng kinh tế này.
Dẫn chứng điển hình là từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI  của Việt Nam vẫn cao. Điều kiện kinh tế chính trị của Việt Nam ổn định, công tác đối nội đối ngoại vẫn giữ được cân bằng… giúp kinh tế Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Dù đón cơ hội lớn từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn, nhưng theo ông Tâm còn một vấn đề lớn đối với nhà đầu tư Việt Nam là khả năng nắm bắt được cơ hội. Ông cho biết tăng trưởng tín dụng đến hiện tại chưa được cao so với mức kỳ vọng, phản ánh tăng trưởng nội địa vẫn còn hạn chế.
“Tôi cho rằng người dân, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư. Tình hình thế giới hiện nay có lợi cho Việt Nam. Tôi có cảm cảm giác một số nhà đầu tư vẫn đang cân nhắc, dẫn đến đầu tư kém đi, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng thị trường nội địa phải phát triển hơn nữa”. Ông Tâm bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, Chủ tịch Kinh Bắc cũng nhấn mạnh về câu chuyện có những nhà đầu tư nước ngoài lớn hiện chưa lựa chọn đầu tư tại Việt Nam do còn đặt dấu hỏi lớn về tính sẵn sàng của doanh nghiệp. Trong đó, thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao là một bài toán cần giải. Để đón doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ, Việt Nam phải chi tiền đào tạo nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ cao. Cơ quan quản lý cũng cần có chính sách khuyến khích, tuyên truyền và chuẩn bị ngân sách.
"Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT từng tâm sự với tôi về mong muốn đào tạo nhân lực công nghệ cao, nhưng nếu chỉ một mình FPT hay Viettel thì vẫn chưa đủ. Cần có cơ chế, chính sách, chiến lược cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao để những doanh nghiệp này nhận được hỗ trợ từ Nhà nước để tiên phong trong đào tạo nhân sự công nghệ chất lượng cao cho quốc gia?", ông Tâm chia sẻ.
>>Doanh nghiệp đứng sau khu đô thị Tràng Cát sắp trở thành chủ nợ của Kinh Bắc (KBC)