Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Theo ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Còn có ô nhiễm môi trường không thì vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá tác động môi trường. Việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.
Chiều 9/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam  chủ trì họp báo thông tin tình hình KT- XH 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm nay.
Tại họp báo, PV Tiền Phong đặt câu hỏi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về quan điểm của tỉnh trước đề xuất khoan thăm dò khoáng sản của Công ty TNHH vàng Phước Sơn, có lo ngại việc khoan thăm dò sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nguồn nước đầu nguồn, tình trạng sạt lở núi?
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trả lời câu hỏi của Tiền Phong liên quan đề xuất khoan thăm dò khoáng sản vàng gốc của Công ty TNHH vàng Phước Sơn. |
Trả lời câu hỏi, ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam - cho hay, thẩm quyền xem xét thuộc về Bộ TN&MT, tuy nhiên Bộ TN&MT có văn bản hỏi ý kiến về việc khoan thăm dò.
Theo ông Ảnh, quy định hiện nay thì không được dùng ngân sách để thực hiện việc thăm dò mà dùng nguồn của doanh nghiệp đánh giá trữ lượng.
“Kết quả đánh giá đưa vào trong đánh giá trữ lượng quốc gia chứ không phải đánh giá để doanh nghiệp đầu tư khai thác. Sắp tới luật sửa đổi thì không cho doanh nghiệp thăm dò trữ lượng mà Nhà nước sẽ làm việc này. Các điểm doanh nghiệp khoan thăm dò này nằm trên các tuyến đường, không bị ảnh hưởng gì đến rừng, chu vi điểm khoan rất nhỏ. Tỉnh Quảng Nam có văn bản báo cáo với Bộ TN&MT để Bộ xem xét thống nhất chủ trương” - ông Ảnh nói.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam. |
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin thêm: “Cục khoáng sản thuộc Bộ TN&MT có văn bản hỏi UBND tỉnh Quảng Nam về khai thác thăm dò vàng gốc này có nằm trong vùng cấm không, có phải rừng đặc dụng không?
Trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, nội dung là khu vực công ty khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Còn có ô nhiễm môi trường không thì vấn đề này Bộ TN&MT nghiên cứu đánh giá tác động môi trường. Việc xem xét cấp phép hay không thì quyết định của Trung ương” - ông Dũng nói.
Nhiều vấn đề nóng được đề cập tại cuộc họp báo. |
Như Tiền Phong đã thông tin, Công ty TNHH vàng Phước Sơn xin cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản vàng gốc trên diện tích 16,09 km2.
Theo công ty, việc đo vẽ bản đồ địa chất, địa hóa, địa vật lý, dọn vết lộ, đào hào và trắc địa sẽ có ảnh hưởng rất nhỏ đến đất mặt, và hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến cây rừng tại khu vực triển khai khoảng 14,23 km2. Chỉ có công tác khoan thăm dò (tổng 101 lỗ khoan) tại 3 khu vực là Trà Long - Suối Cây, K7 và Bãi Bướm thuộc các xã Phước Đức, Phước Xuân và Phước Năng (huyện Phước Sơn) trong diện tích 1,86 km2 còn lại (tương đương 186 ha) là có tác động trực tiếp xuống nền đất tự nhiên nhưng ở diện tích nhỏ.
Nhà máy vàng Phước Sơn. |
Công ty không điều tra, đánh giá hiện trạng rừng trong toàn bộ 16,09 km2, mà chỉ hợp đồng với đơn vị tư vấn điều tra, đánh giá hiện trạng rừng trong 186 ha tại 3 khu vực nêu trên, nơi có bố trí 101 mũi khoan để xác định mức độ tác động đến rừng (nếu có) và có kế hoạch điều chỉnh thiết kế lỗ khoan để hoàn toàn không tác động đến rừng tự nhiên.
Trước đề xuất này, ban đầu, huyện Phước Sơn bày tỏ lo ngại ảnh hưởng nguồn nước, hệ sinh thái rừng tự nhiên. Tuy nhiên sau khi văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ông Phan Thái Bình đề nghị UBND huyện Phước Sơn xem xét phương án dự kiến thi công thăm dò khoáng sản và kiểm tra thực tế, thì UBND huyện Phước Sơn đã đổi ý và thống nhất với tỉnh.
>> Hai dự án khu đô mới tại tỉnh Quảng Nam có chuyển động mới