Vĩ mô

Chủ tịch Quốc hội lý giải vì sao một số chức danh lãnh đạo phải tuyên thệ 2 lần

Thế Vinh - Trần Thường 05/05/2025 20:00

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, do nhiệm kỳ Quốc hội cách xa thời gian Đại hội Đảng nên một số chức danh lãnh đạo Nhà nước phải bầu 2 lần và tuyên thệ đến hai lần (sau Đại hội Đảng và sau bầu cử).

Tại phiên thảo luận tổ ngày 5/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã được Bộ Chính trị và Trung ương thảo luận rất kỹ, để phục vụ chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy.

Giai đoạn chuyển tiếp trong 1,5 tháng

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong giai đoạn 1 của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Quốc hội đã sửa Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời ban hành 11 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết liên quan tới công tác tổ chức, tinh gọn bộ máy của các ban đảng, Chính phủ, Quốc hội và các địa phương.

Giai đoạn 2, Quốc hội tiếp tục thảo luận việc sắp xếp tinh gọn bộ máy ở các địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 10.035 xã xuống còn khoảng 3.320 xã.

ChutichQH.jpg

Trường hợp Quốc hội biểu quyết thông qua đề án sáp nhập cấp tỉnh vào ngày 24/6 thì cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành sau sắp xếp.

Liên quan việc sửa Hiến pháp, ông cho biết dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30/6 để có hiệu lực từ ngày 1/7.

“Sau đó, sẽ có khoảng 1,5 tháng là thời gian chuyển tiếp để hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Theo đó, khi kết thúc hoạt động của cấp huyện, thì chức năng, nhiệm vụ của huyện sẽ chuyển xuống cấp xã hoặc lên tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào tháng 1/2026

Ông Trần Thanh Mẫn nêu thực tế trong một số nhiệm kỳ gần đây, do nhiệm kỳ Quốc hội cách xa thời gian Đại hội Đảng nên sau Đại hội Đảng, Quốc hội thường tiến hành kỳ họp bất thường để kiện toàn các chức danh Nhà nước. Sau bầu cử, Quốc hội khóa mới lại tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước.

“Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, một số chức danh lãnh đạo Nhà nước phải tuyên thệ đến 2 lần”, Chủ tịch Quốc hội lý giải.

Ông cho biết, khi chỉ còn chính quyền địa phương 2 cấp, các địa phương sẽ tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp. Sau đó Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 dự kiến tổ chức vào khoảng tháng 1/2026.

Vừa qua, Bộ Chính trị và Trung ương đã thống nhất, sau Đại hội Đảng sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu HĐND các cấp. Ngày bầu cử Quốc hội dự kiến ngày 15/3/2026. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa 16 dự kiến là ngày 6/4/2026.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, cuộc cách mạng tổ chức bộ máy này đang đi đúng hướng, rất chặt chẽ, được sự ủng hộ cao của nhân dân và dư luận quốc tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc ích nước, lợi dân, được nhiều người ủng hộ nên phải làm rất khẩn trương. Nếu chần chừ sẽ tạo sự phân tâm, không tập trung các nguồn lực cùng sự chỉ đạo cho nhiệm vụ rất quan trọng là tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, làm các nhiệm vụ an sinh xã hội.

"Do đó, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để mở đường cho sự phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng khẳng định.

>> Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Tổng Bí thư: Lắng nghe ý kiến của nhân dân để sửa Hiến pháp

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chu-tich-quoc-hoi-ly-giai-vi-sao-mot-so-chuc-danh-lanh-dao-phai-tuyen-the-2-lan-2398003.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chủ tịch Quốc hội lý giải vì sao một số chức danh lãnh đạo phải tuyên thệ 2 lần
    POWERED BY ONECMS & INTECH