Hạ tầng - Chính sách

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình: Không có đất thì làm sao chúng tôi làm nhà ở xã hội?

Hồng Gấm 26/04/2025 - 10:06

"Ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn Hòa Bình hiện nay là việc Hà Nội cấp đất cho dự án nhà ở xã hội đã treo 4 năm qua. Chúng tôi không cần hỗ trợ tài chính mà chỉ cần quỹ đất để triển khai", ông Nguyễn Hữu Đường nhấn mạnh.

Tại tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" sáng 25/4, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, chia sẻ: Năm 1987, tôi đã thành lập tổ chức thương binh nặng Hòa Bình gồm 9 người cho đến bây giờ chúng tôi có hơn 3.000 người lao động. Nhìn lại năm 2024, tôi không khỏi ngậm ngùi khi phải thốt lên rằng, 99% doanh nghiệp Việt, trong đó có cả Hòa Bình, đang phải "thở oxy" từng ngày.

Bởi vậy, trong bối cảnh hiện tại, những giải pháp mà chúng tôi cần, phải là những liều thuốc "mì ăn liền", có tác dụng ngay, giúp doanh nghiệp cầm cự qua cơn nguy khó này.

Vị này cho hay, từ năm 2008, Tập đoàn Hòa Bình đã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh đa lĩnh vực, tập trung vào các ngành có tiềm năng lợi nhuận cao như bia, khách sạn và bất động sản. Hiện tại, đang lên kế hoạch phát triển nhà ở xã hội với mức giá dự kiến 20 triệu đồng/m2 tại nội thành và 15 triệu đồng/m2 ở ngoại thành. Theo ông Đường, đây là mức giá hợp lý để người dân có thể an cư. Vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển chính là khả năng tiêu thụ sản phẩm do chính doanh nghiệp Việt Nam làm ra.

"Tôi cho rằng, với nhà ở xã hội, không cần gói hỗ trợ nào của Chính phủ về hỗ trợ cho vay hay thuế phí, mà cái cần nhất là cấp đất. Đất do TP. Hà Nội quản lý nhưng hiện nay Hà Nội không cấp đất, không có đất thì làm sao chúng tôi làm nhà ở xã hội"? ông Đường trăn trở.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình: Không có đất thì làm sao chúng tôi làm nhà ở xã hội?

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình. Ảnh: Hữu Thắng.

>>>PGS. TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt có nguy cơ 'lép vế' trước cơn lốc hàng Trung Quốc giá rẻ

Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Hà Nội chưa phê duyệt dự án nhà ở xã hội nào. Tập đoàn Hòa Bình đã ấp ủ kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội suốt 4 năm qua nhưng vẫn chưa được TP. Hà Nội chấp thuận, với 13 lần yêu cầu xem xét lại vấn đề đất đai.

"Dường như UBND TP. Hà Nội muốn tôi triển khai nhà ở xã hội tại những khu đất cụ thể mà họ chỉ định, trong khi tâm huyết của tôi là chỉ muốn làm nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân", vị này nói.

Cũng theo ông Đường, từ tháng 9/2023, tập đoàn Hòa Bình đã chủ động nghiên cứu giải pháp xây dựng đường cao tốc và chỉ sau 3 tháng thử nghiệm, đã đạt được kết quả ấn tượng với chi phí thấp hơn 20% so với công nghệ của Trung Quốc.

"Việc này không chỉ thể hiện năng lực nghiên cứu và đổi mới của doanh nghiệp mà còn mở ra tiềm năng lớn cho việc phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam với chi phí hiệu quả hơn. Hiện nay, tôi đã xin được bằng sáng chế cho sản phẩm này, kỳ vọng sắp tới có thể được sử dụng để làm 5.000 km đường cao tốc ở Việt Nam sắp tới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Đường nói.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình thông tin: Theo tính toán của Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng, đường do chúng tôi làm đạt chuẩn, tiết kiệm. Dự kiến, trong 3 năm sẽ tiết kiệm được hơn 6 triệu tỷ đồng để xây dựng 5.000 km cao tốc và quan trọng nhất là chúng ta có hệ thống đường cho phát triển kinh tế.

"Tập đoàn cũng đang đề xuất xây dựng trung tâm thương mại dưới đường cao tốc, miễn phí mặt bằng, tạo điểm xuất khẩu tại chỗ cho nông sản và hàng hóa Việt Nam", ông Đường cho hay.

>>> PGS-TS Trần Đình Thiên: ‘Trong nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp tư nhân phải đóng góp 60-80% GDP’

Đề nghị bố trí nhà ở xã hội cho công chức khi đến tỉnh mới làm việc

Novaland đề xuất chuyển hai dự án tại TP. HCM thành nhà ở xã hội, nhà ở trung bình

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chu-tich-tap-doan-hoa-binh-khong-co-dat-thi-lam-sao-chung-toi-lam-nha-o-xa-hoi-287916.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình: Không có đất thì làm sao chúng tôi làm nhà ở xã hội?
    POWERED BY ONECMS & INTECH