Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Kinh tế thành phố sẽ tăng trưởng 2 con số
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, nếu triển khai đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết 98, trong 10 năm tới, thành phố sẽ trở lại quỹ đạo phát triển, tạo nền tảng để sau năm 2030, GRDP tăng trưởng trở lại 2 con số.
Chương trình đầu tiên ngay khi Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực (1/8/2023), là triển khai gói vay giảm nghèo bền vững. Gần 2.800 tỷ đồng đã được giải ngân trong đợt 1 với 39 nghìn người được thụ hưởng. Hiện đợt 2 đang được triển khai tiếp với gói vay gần 1.000 tỷ đồng.
Đồng thời, nhiều dự án giao thông ách tắc lâu năm cũng bắt đầu được khơi thông khi nghị quyết cho phép các dự án đầu tư trở lại hình thức BOT.
Cùng với đó là việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực cho thành phố, Nghị quyết 98 kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để phát triển TP.HCM , trở lại là đầu tàu kinh tế của cả nước.
VietNamNet có tuyến bài ghi nhận việc thực thi Nghị quyết 98, với những nội dung đã triển khai đi vào cuộc sống có hiệu lực, hiệu quả.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, khi xây dựng Nghị quyết 98, thành phố hướng đến mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Nghị quyết 98 đang được TP.HCM tận dụng triệt để nhằm khơi thông nhiều điểm nghẽn vướng mắc, tạo động lực phát triển thành phố. PV VietNamNet có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về những quyết sách, chương trình được triển khai từ Nghị quyết.
- Thưa Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, nội dung đầu tiên đi vào cuộc sống ngay khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, là thành phố bố trí vốn vay cho người nghèo. Xin ông đánh giá hiệu quả của chương trình này?
Ông Phan Văn Mãi : Đây là nhiệm vụ đầu tiên thành phố triển khai ngay khi Nghị quyết 98 được thông qua (ngày 24/6/2023) vừa “đầy tháng”. Trong đó, thành phố đã ưu tiên triển khai ngay trong tháng 7/2023 với việc bố trí vốn đầu tư công cấp cho Chương trình giảm nghèo là 2.796 tỷ đồng. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng CSXH phối hợp với các địa phương triển khai chương trình để người nghèo được tiếp cận vốn vay.
Do đó, đến cuối tháng 1/2024, các địa phương đã giải ngân đạt 100% (2.796 tỷ/2.796 tỷ đồng) cho gần 39 nghìn khách hàng là các hộ nghèo vay vốn.
Trong năm 2024, thành phố tiếp tục bố trí vốn cho Chương trình giảm nghèo là 998 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đã giải ngân số tiền 445 tỷ đồng và phấn đấu trong quý 2 giải ngân đạt 100% kế hoạch.
- Vì sao thành phố ưu tiên “vốn vay cho người nghèo” là nội dung được triển khai đầu tiên khi nghị quyết được thông qua, thưa ông?
Có thể hiểu, con người luôn ở trung tâm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển của thành phố.
Thực tế là khi xây dựng Nghị quyết 98, chúng tôi hướng đến mục tiêu phục vụ cả người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Cụ thể, Nghị quyết 98 trao cho thành phố thực hiện thí điểm nhằm tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, khơi thông nguồn lực phát triển…
Trước khi ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai các cơ chế, chính sách này, thành phố đều thận trọng tổ chức lấy ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc, ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học để có được sự đồng thuận cao.
Mục đích cuối cùng là “đưa chính quyền đến gần dân hơn, làm cho người dân và doanh nghiệp thấy mình được phục vụ tốt hơn”.
- Bên cạnh nội dung nói trên, những đầu việc nào đã được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực?
Thành phố đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa, với 41 dự án.
Thứ hai, thành phố đã điều chỉnh chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức không vượt quá 0,8 lần tổng quỹ lương cơ bản.
Thứ ba, là kiện toàn tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cho thành phố Thủ Đức.
Thứ tư, thành phố đã tăng số lượng phó chủ tịch cho 3 quận và thành phố Thủ Đức và 52 phường/xã.
Tháo gỡ các điểm nghẽn về đầu tư
- Những chính sách vượt trội từ Nghị quyết 98 giúp thành phố tháo gỡ được các vướng mắc như thế nào, nhất là trong việc triển khai các dự án trọng điểm?
Nghị quyết 98 là nghị quyết đầy đủ và toàn diện nhất với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau, dựa trên 3 nguyên tắc chính.
Thứ nhất, quy định các nội dung để khơi thông tối đa các nguồn lực mà thành phố có để có điều kiện phát triển.
Thứ hai, phân cấp, phân quyền để thành phố chủ động linh hoạt trong điều hành.
Cuối cùng là cho phép thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn, tạo điều kiện cho thành phố phát huy các lợi thế đặc biệt của mình để vượt lên, bứt phá và phát triển.
Qua đó, thành phố đã từng bước giải quyết được rất nhiều điểm nghẽn về đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách; về đô thị, khoa học công nghệ và tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của thành phố Thủ Đức.
Đơn cử như trong lĩnh vực đầu tư, thành phố đã quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với lĩnh vực y tế là 30 tỷ đồng. Trong giáo dục - đào tạo, đối với dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục tiếp cận tiến bộ khoa học và công nghệ của xã hội là 5 tỷ đồng; đầu tư cơ sở vật chất các hoạt động giáo dục thể chất trong trường học là 20 tỷ đồng; đầu tư xây dựng trường lớp là 100 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa - thể thao là 45 tỷ đồng đối với các thiết chế thể thao và văn hóa do thành phố quản lý, 10 tỷ đồng đối với thiết chế thể thao, văn hóa do quận, huyện, thành phố Thủ Đức quản lý.
Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành danh mục dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT, gồm 5 dự án trọng điểm để triển khai từ nay đến năm 2028 (xem bài 2).
Thành phố cũng đã ban hành quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là cơ sở pháp lý để thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp với nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.
- Vì sao Nghị quyết 98 vừa được bấm nút thông qua trong thời gian ngắn mà thành phố đã triển khai được nhiều đầu việc hiệu quả như trên?
Nhận thức Nghị quyết 98 là động lực quan trọng, tạo điều kiện cho thành phố bứt phá, phát triển nhanh và bền vững, nên lãnh đạo thành phố xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình công tác năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, khi xây dựng nghị quyết có sự đồng lòng, hành động, thống nhất và tham gia ngay từ đầu của các Bộ, ban ngành Trung ương đến địa phương; từ các cá nhân, đơn vị nhà nước đến các chuyên gia, nhà tư vấn… trong và ngoài nước; từ cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân thành phố.
Điều này vừa tạo ra sự đồng thuận chính trị cao, tính thực tiễn cao đối với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Chính vì vậy, ngay khi Nghị quyết được thông qua, thành phố đã trong tâm thế sẵn sàng và chủ động.
Từ đó, nhiều đầu việc được triển khai nhanh, đi vào cuộc sống, tháo gỡ các điểm nghẽn, thu hút nguồn lực toàn xã hội để phát triển thành phố.
Kinh tế TP.HCM sẽ tăng trưởng 2 con số
- Ông có thể khẳng định, nếu triển khai tốt các nội dung của Nghị quyết 98, thành phố sẽ trở lại quỹ đạo phát triển vốn có và tạo được sức bật mới trong thời gian tới?
Thành phố sẽ khai thác tốt Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ, để thúc đẩy các dự án hạ tầng xuyên vùng, giúp hạ tầng giao thông giữa thành phố với các địa phương khác mạch lạc, thông suốt.
Trong đó, ưu tiên là các dự án đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc, đường vành đai 3, vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Thành phố sẽ rà soát các dự án treo, quy hoạch treo như dự án Bình Quới-Thanh Đa, vành đai 2 và một số dự án giao thông đã khởi công 10-20 năm, nhưng bị ngưng vì nhiều vướng mắc để tiếp tục tháo gỡ. Những dự án này khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn tạo ra sự thay đổi, phát triển đáng kể cho hạ tầng thành phố.
Đồng thời, thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xúc tiến đầu tư nhiều lĩnh vực về năng lượng, hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ thông tin, tài chính, đổi mới sáng tạo.
Với việc triển khai đồng bộ các đầu việc trên, thành phố kỳ vọng trong 10 năm tới sẽ trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tạo nền tảng để sau năm 2030, kinh tế thành phố có sự tăng trưởng cao, GRDP tăng trưởng 2 con số.
Phương án phân luồng giao thông ở TP.HCM dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 
Phương án phân luồng giao thông ở TP.HCM dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 
Tỉnh giàu 'sát vách' TP. HCM sẽ đón thành phố thứ 2 vào 1/5