Theo Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long, năm 2022, ngành thép sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông khẳng định Hoà Phát sẽ là công ty chịu thiệt hại cuối cùng nếu ngành thép đi xuống.
Ngành thép bắt đầu đi xuống sau hơn 1 năm thăng hoa
"Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy kết quả kinh doanh của Hoà Phát thê thảm thế nào và mọi người cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm".
Đây là cảnh báo trước của người đàn ông được mệnh danh là "vua thép" Việt Nam - ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát khi nói về triển vọng ngành thép từ nay đến cuối năm.
Chủ tịch Hòa Phát: Ngành thép năm nay rất khó khăn, giá thép rớt thê thảm 
Giai đoạn cuối quý I đến hết quý II là cao điểm mùa xây dựng và nhu cầu thép từ đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, năm nay quy luật ấy lại đảo ngược ngay trong tháng 4.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bán hàng thép xây dựng giảm sâu tới 39% so với tháng 3 và giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá thép xây dựng trong tháng 5 giảm 300.000 - 500.000 đồng/tấn so với cuối tháng 4, trung bình quanh mốc 18,25 - 18,5 triệu đồng/tấn tuỳ chủng loại. Đà giảm vẫn kéo dài đến giữa tháng 6 khi giá thép chỉ còn giao dịch ở quanh mức 17 triệu đồng/tấn.
Giá thép trong nước tiếp tục giảm hơn 500.000 đồng/tấn 
Việc giá thép liên tục giảm thúc đẩy các nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, nên lượng hàng xuất của nhà máy giảm nhiều so với bình thường. Các nhà máy tìm thêm thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường (Campuchia, Hong Kong, Canada, Mỹ...).
Trong khi đó, chi phí nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, giá than đều tăng mạnh do lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng và căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Điển hình như giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia hồi giữa tháng 5 giao dịch ở mức 480 USD/tấn FOB, tăng mạnh 25% so với đầu tháng 4. Giá than cốc có xu hướng tăng liên tục kể từ quý III/2021 và điều chỉnh mạnh trong tháng 3/2022.
Việc các nhà máy chỉ có thể chủ động được 20 - 30% nguyên liệu trong nước, phần còn lại là nhập khẩu, càng khiến tác động của việc giá nguyên liệu tăng trong khi giá thép giảm thêm rõ rệt hơn. Biên lợi nhuận của các công ty sản xuất thép trong quý I giảm 3 – 9,9 điểm %.
Ngoài ra, theo ông Long, những dự tính về việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nguồn cung thiếu hụt do xung đột Nga - Ukraine lệch hoàn toàn so với thực tế. Trong khi đó, nhu cầu thép tại Trung Quốc giảm sốc khi nước này cùng lúc thực hiện chính sách Zero Covid và cắt giảm khí phát thải.
Còn ở thị trường trong nước, các dự án đầu tư công trong nước được cho là "cứu cánh" của ngành thép cũng đang vướng vào vấn đề tốc độ giải ngân còn chậm.