Việc sản xuất thép xanh sẽ đội chi phí lên cao. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách hàng đối với thép xanh vẫn là một ẩn số.
Nhiều ông lớn ngành thép thế giới "đua nhau" làm thép xanh
Từng gây nhiều tranh cãi về vấn đề môi trường trong nhiều năm qua, mới đây, chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) Trần Đình Long tiết lộ công ty đang nghiên cứu làm “thép xanh” thân thiện với môi trường.
Thép xanh là loại thép được sản xuất bằng công nghệ thân thiện với môi trường, không phát thải hoặc phát thải rất ít khí carbon ra ngoài môi trường. Nếu như việc sản xuất thép bằng phương pháp truyền thống bằng cách dùng than cốc nung chảy quặng sắt trong các lò cao thì thép xanh sử dụng khí hydro xanh hoặc khí gas tự nhiên thay vì than cốc. Ngoài ra, phương pháp sử dụng lò đốt sinh khối (Biomass)
Lò đốt sinh khối là một công nghệ đốt khí sinh học (CO; H2; CH4,..) được tạo ra bởi quá trình phản ứng nhiệt phân trong môi trường yếm khí của các nguyên liệu sinh khối như gỗ, trấu, phụ phẩm nông nghiệp,…
Theo Bloomberg, ngành công nghiệp thép hiện nay chiếm khoảng 7% lượng khí thải carbon của thế giới. Từ mức của năm 2019, nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng 47% vào năm 2050.
Trong bối cảnh chính phủ các nước đưa ra khá nhiều quy định mới cũng như thuế carbon để cải thiện môi trường trong đó có thép xanh.
Ông Trần Đình Long chia sẻ lý do Hoà Phát muốn làm thép xanh vì đây là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu, Mỹ, G7 cũng đang làm thép xanh theo nhiều phương pháp.
Đặc biệt, tại Trung Quốc, quốc gia chiếm tới hơn một nửa sản lượng thép thế giới, cũng đang từng bước làm thép xanh dưới nỗ lực của chính phủ thực hiện mục tiêu giảm khí phát thải, theo trang S&P Global Commodity Insights.
Theo đó, nước này đặt tham vọng sẽ đạt mức phát thải CO2 đỉnh điểm trước năm 2030 và đạt mức trung hoà CO2 trước năm 2060, giảm cường độ phát thải (lượng khí thải phát ra trên một đơn vị sản lượng kinh tế) hơn 65%.
Bên cạnh đó, công nghệ sắt hoàn nguyên trực tiếp (direct reduced iron- DRI) cũng sẽ phổ biến hơn. Trong đó, Baosteel và Hebei Iron & Steel Group là hai công ty tiên phong cho xu hướng này.
Baosteel là công ty con của Tập đoàn Baowu, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, trong khi Hebei Iron & Steel đứng thứ ba.
Tuy vậy, các nhà máy DRI dùng khí hydro vẫn ở quy mô sản xuất tương đối nhỏ.
Theo Baosteel, công nghệ sử dụng hydro tinh khiết tại nhà máy vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ở Trung Quốc. Công ty đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng khí hydro tại nhà máy DRI lên 80% -90% vào năm 2030.
Hiện tại cả Baosteel và Hebei Iron & Steel vẫn đang sử dụng kết hợp hydro, khí gas tự nhiên và khí lò cốc.
Baosteel đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon xuống 30% so với mức của năm 2020 vào năm 2027, trong khi Baowu cũng đang đặt mục tiêu tương tự vào năm 2035.
Tập đoàn Rio Tinto (trụ sở tại Anh), nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, đã hợp tác cùng Đại học Nottingham (Anh) triển khai một dự án thử nghiệm sử dụng sinh khối làm nhiên liệu thay thế cho than cốc.
Theo đó, Rio Tinto sẽ trộn sinh khối với quặng sắt, kết hợp nhiệt phát ra từ hỗn hợp khí ga từ sinh khối và vi sóng năng lượng tái tạo để chuyển quặng sắt thành thép.
Còn tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 trong năm 2050. Do đó, theo tỷ phú Trần Đình Long, đây là xu hướng tất yếu trong tương lai và Hoà Phát đang từng bước sản xuất thép thân thiện môi trường.
Ông Long cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ vốn chúng tôi dành cho xử lý vấn đề về môi trường trong các dự án mới nhiều hơn. Việc nghiên cứu thép xanh sẽ giúp giảm phát thải ra môi trường và nằm trong trước lược dài hạn . "Thế giới đang làm thép xanh và chúng tôi cũng sẽ làm vì Việt Nam cũng đã cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050".
Những bài toán mà Hoà Phát phải giải khi làm "thép xanh"
Vấn đề đầu tiên cũng là lớn nhất chính là chi phí để sản xuất quá cao. Theo đó, việc luyện thép tại các nhà máy có công nghệ DRI, sử dụng khí hydro có thể giảm gần như 100% khí thải, tuy nhiên chi phí sẽ cao hơn tới 425 USD/tấn so với công nghệ sản xuất thép truyền thống, theo S&P Global Commodity Insights.
Trong một nghiên cứu năm 2018, Công ty sản xuất thép SSAB (Thuỵ Điển) cho biết, mức chênh lệch giữa hai loại thép có thể lên tới 30%. Tuy nhiên, giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao như hiện nay có thể đã làm giảm con số mà SSAB công bố.
Một số chuyên gia cho rằng các công nghệ luyện thép cắt giảm khí CO2 hiện vẫn còn quá sơ khai và chưa thể nhân rộng ít nhất là trước năm 2030. Cũng chính vì công nghệ còn sơ khai và chưa đạt đến quy mô lớn nên chi phí sản xuất cao.
Ông Trần Đình Long thừa nhận, chi phí để làm thép xanh từ hydro rất cao. Hầu hết nhà máy làm thép xanh sử dụng hydro trên thế giới đang được hưởng chương trình tài trợ của chính phủ.
Ông Long nói thêm: "Làm thép xanh bằng khí gas tự nhiên hiện là phương án khả thi nhất mặc dù mức độ giảm khí phát thải không cao bằng khí hydro. Thế nhưng đổi lại, chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hydro”".
Vấn đề thứ hai mà Hoà Phát có thể đối diện đó là liệu rằng khách hàng có sẵn sàng trả mức giá cao hơn nhiều so với thép thông thường để sử dụng thép xanh không.
Điều này có lẽ phụ thuộc nhiều vào nhận thức bảo vệ môi trường và ngân sách của khách hàng.
Điển hình như tại hai thị trường Mỹ và EU, mức độ sẵn sàng chi tiền cho thép xanh rất khác nhau. Theo trang Fastmakets, Ở châu Âu, nhu cầu thép xanh cao hơn rất nhiều so với Mỹ. Các công ty thép châu Âu đã bắt đầu theo đuổi con đường này - bán thép xanh với giá cao hơn.
Chiều ngược lại, ở thị trường Mỹ người mua hiện không mặn mà với việc trả nhiều tiền hơn cho thép xanh so với nước Châu Âu. Sự thiếu nhiệt tình này một phần là do thời gian qua, giá thép ở Bắc Mỹ và các thị trường châu Mỹ khác liên tục đạt ngưỡng kỷ lục. Giá thép tăng cao đã khiến một số người mua ở Mỹ phải trả nhiều hơn gấp 4 lần so với những năm 2019 - 2020.
Bất ngờ với khối tài sản 56.000 tỷ đồng của vợ chồng Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long 
10 tỷ phú USD Việt Nam: Ông Trần Đình Long vững chân top đầu?