Chủ tịch WEF: 'Tôi sử dụng ChatGPT và công cụ AI rất nhiều'
Trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo sở, ngành TPHCM, GS. Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - đề cao đến khả năng và tính ứng dụng của công nghệ AI trong học tập và đời sống. “Bản thân tôi cũng sử dụng ChatGPT và các công cụ AI khác trong đời sống rất nhiều”, GS. Klaus Schwab cho hay.
Chiều tối 5/10, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi có buổi tiếp GS. Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhân dịp ông có chuyến thăm và làm việc tại TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cảm ơn GS. Klaus Schwab dành nhiều tâm huyết giúp thành phố hiện thực hoá cam kết thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR). Ông Mãi cũng bày tỏ kỳ vọng trung tâm này sẽ là cầu nối giữa TPHCM và WEF, qua đó đóng góp vào sự phát triển của thành phố cũng như của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với GS Klaus Schwab. Ảnh: Ngô Tùng. |
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM đang tập trung xây dựng thành thành phố toàn cầu, bắt kịp xu hướng các thành phố trên thế giới, qua đó giải quyết vấn đề của một đô thị như TPHCM. Ngoài ra, còn đặt mục tiêu xây dựng thành thành phố học tập, trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.
Ông Mãi cũng cảm ơn sự giới thiệu của GS. Klaus Schwab để TPHCM tham gia vào mạng lưới thành phố toàn cầu và được học hỏi kinh nghiệm không chỉ phát triển về kinh tế mà còn cân bằng được các yếu tố xã hội.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho hay, trong tiến trình phát triển, thành phố đang nỗ lực để chuyển đổi công nghiệp và cũng ý thức sự phát triển ngày càng lớn mạnh của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng. Do đó, TPHCM muốn chuyển đổi xanh, trong đó sẽ lựa chọn trọng tâm, giải pháp cụ thể để phát triển.
“Giáo sư là tác giả nhiều quyển sách về Cách mạng công nghiệp 4.0 nên rất mong ngài có nhận diện và gợi ý cho thành phố trong chuyển đổi đó thì nên đặt trọng tâm và tiến hành giải pháp như thế nào để sự chuyển đổi đạt được hiệu quả và bền vững”, Chủ tịch Phan Văn Mãi gửi gắm với GS. Klaus Schwab.
GS. Klaus Schwab đánh giá TPHCM là biểu tượng của sự năng động và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Ông cho biết bản thân đã chứng kiến TPHCM có sự phát triển vượt bậc dựa trên 3 trụ cột: Phát triển cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sự đầu tư vào con người trong tương lai. “WEF hân hạnh là một phần trong sự phát triển của TPHCM”, người đứng đầu WEF bày tỏ.
GS Klaus Schwab bày tỏ mong muốn hỗ trợ TPHCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. |
Với việc TPHCM đã thành lập CI4R mới đây, GS. Klaus Schwab cho đây là cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác. Theo đó, trong tương lai, WEF mong hỗ trợ TPHCM trong việc chuyển đổi sang trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh và phát triển nguồn nhân lực.
GS. Klaus Schwab cho biết, hiện WEF có 22 CI4R nhưng đặc biệt ấn tượng với CI4R tại TPHCM vì trung tâm này có sự hỗ trợ của Chính phủ và sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp. Để thắt chặt quan hệ hai bên hơn nữa, Chủ tịch WEF mong muốn Chủ tịch UBND TPHCM sắp xếp tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2025 tại Davos, Thuỵ Sĩ.
GS. Klaus Schwab cũng nhìn nhận, WEF sẽ hợp tác với TPHCM để tận dụng hiệu quả chương trình hợp tác đã ký kết, nhất là trong thời buổi mọi người đang đối mặt với sự chuyển đổi. Đây cũng là cơ hội của Việt Nam và TPHCM vì thành phố có dân số trẻ, năng lực tốt về khoa học - công nghệ, đặc biệt là AI.
Lãnh đạo các sở, ngành TPHCM trao đổi với GS Klaus Schwab. |
Trao đổi thêm với các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo sở, ngành TPHCM, GS. Klaus Schwab đề cao đến khả năng và tính ứng dụng của công nghệ AI trong học tập và đời sống, trong đó phải đầu tư nhiều vào việc đào tạo giáo viên.
Vị giáo sư dẫn chứng, tại Hàn Quốc, giáo viên phải học cách sử dụng AI trong đời sống hằng ngày cũng như học tập. “Bản thân tôi cũng sử dụng ChatGPT và các công cụ AI khác trong đời sống rất nhiều”, ông cho hay.
>> Thủ tướng chia sẻ các ưu tiên của Việt Nam cho tăng trưởng và thu hút FDI