Chứng khoán Mỹ rơi thẳng đứng, 'cơn thịnh nộ' đổ dồn vào Fed?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chịu sức ép vì sự sụt giảm lịch sử của thị trường chứng khoán.
Các chuyên gia thị trường đang đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  về đợt sụt giảm lịch sử của thị trường chứng khoán kể từ tuần trước.
Chỉ số S&P 500 đã giảm tới 7% kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại là 5,25% - 5,50% tại cuộc họp chính sách tuần trước. Chỉ số Nasdaq 100 cũng đã giảm tới 10% trong cùng thời gian đó.
Giáo sư Jeremy Siegel của trường Wharton trả lời CNBC hôm 5/8 rằng Fed đang chậm chân, đồng thời cho rằng họ nên hạ lãi suất 150 điểm cơ bản trong hai tháng tới.
Ông Siegel cho biết: "Tôi kêu gọi cắt giảm khẩn cấp 75 điểm cơ bản đối với lãi suất quỹ liên bang, đồng thời dự kiến sẽ cắt giảm thêm 75 điểm cơ bản nữa vào tháng tới tại cuộc họp tháng 9, và đó là mức tối thiểu". Ông tin rằng lãi suất quỹ liên bang nên ở mức 3,5% - 4%.
Siegel từ lâu đã chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell  vì hành động quá chậm trễ trong việc tăng lãi suất vào thời kỳ bùng nổ lạm phát năm 2021 và 2022, và giờ đây ông cho rằng Chủ tịch Powell cũng đang mắc sai lầm tương tự khi chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất.
"Nếu họ vẫn chậm chạp trong quá trình hạ lãi suất như khi tăng lãi suất - sai lầm chính sách đầu tiên trong 50 năm qua - thì chúng ta sẽ không có khoảng thời gian tốt đẹp với nền kinh tế này nữa".
Khi được hỏi liệu sự sụt giảm của thị trường chứng khoán có phải do khả năng bà Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tăng cao hay không, vị Giáo sư khẳng định lại rằng vấn đề này hoàn toàn nằm ở Fed chứ không phải cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới hay căng thẳng địa chính trị như một số nhà phân tích cho hay.
"Tôi không nghĩ cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ, Iran hay Nhật Bản là nguồn gốc của đợt sụt giảm này. Tôi nghĩ đó là tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đó mới là nguyên nhân", ông Siegel nói.
Chiến lược gia Mislav Matejka của JPMorgan cho biết trong một lưu ý hôm 5/8 rằng việc Fed không cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm và bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào sắp tới của Fed có thể sẽ không đủ.
Ông Matejka cho biết: "Fed sẽ bắt đầu nới lỏng, nhưng theo hướng là để ứng phó với tình trạng tăng trưởng suy yếu, tức là họ có thể đang tụt hậu. Việc nới lỏng đó có thể sẽ không đủ để thúc đẩy sự phục hồi”.
Và dù Fed có thể đang "tụt hậu" nhưng điều đó có khả năng là cố ý. Đó là vì ông Powell muốn thuyết phục thị trường rằng ngay cả khi phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, ông vẫn quyết tâm kiềm chế lạm phát, giống như cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker đã làm vào những năm 1980.
"Có vẻ như việc chậm chân cũng giúp ông Powell và Ủy ban Thị Trường mở Liên Bang Mỹ (FOMC) phản bác lại quan điểm rằng động thái cắt giảm lãi suất của họ sẽ mang động cơ chính trị", đồng sáng lập DataTrek Nicholas Colas cho biết trong một lưu ý.
Bất kể động cơ của Fed là gì khi chờ đợi đến tháng 9 mới cắt giảm lãi suất, thì thị trường đang đưa ra một thông điệp khá rõ ràng.
John Lynch, CIO Comerica Wealth Management cho biết: "Có nhiều ý kiến cho rằng Fed đã chờ quá lâu để cắt giảm lãi suất và hiện đang tụt hậu".
Theo Business Insider
>> Phố Wall lao dốc sẽ khiến Fed phải giảm lãi suất khẩn cấp trong tuần tới?