Chứng khoán Việt Nam "hấp thụ" tin Fed thế nào?

19-06-2022 18:01|Ngô Long

Tuần qua, Fed đã chính thức tăng lãi suất thêm 0,75% nhằm kiềm chế mức lạm phát đã tăng kỷ lục hơn 40 năm. Giới đầu tư đang phân vân về những tác động từ thông tin này đến thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới.

Tuần giao dịch từ 13 - 17/6/2022, thị trường chứng khoán trong nước chịu ảnh hưởng khá lớn từ những yếu tố bên ngoài như quyết định tăng lãi suất của Fed hay ECB, các quỹ ETF cơ cấu danh mục và thị trường phái sinh áp dụng các tính giá thanh toán mới... khiến chỉ số có lúc mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.

VN-Index đóng cửa phiên 17/6 trên ngưỡng 1.200 điểm sau khi có pha rút chân qua đó thu hẹp đà giảm. Theo đó, chỉ số đại diện sàn HOSE giảm 19,33 điểm (1,56%) về 1.217,3 điểm, HNX-Index giảm 7,71 điểm (2,68%) xuống 280,06 điểm.

Đưa ra ý kiến về việc các yếu tố kể trên sẽ tiếp tục bị chi phối thị trường trong tuần tới (từ 20 - 24/6/2022) ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS) cho biết, rõ ràng thị trường chứng khoán trong nước hiện chịu ảnh hưởng khá nhiều từ những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu (đặc biệt Mỹ) những ngày gần đây. Vì thế, VN-Index cũng đã ghi nhận tuần giảm điểm khá mạnh.

Trong khi đó, việc thị trường phái sinh có cách tính giá thanh toán mới lại khiến thị trường cơ sở ổn định hơn, ít bị tác động mạnh vào cuối ngày thanh toán như trước và tôi nhận thấy đây là điểm thay đổi tích cực.

Trong tuần tới đây, nhà đầu tư vẫn cần quan sát kỹ những diễn biến từ thị trường thế giới bởi đây đang là giai đoạn có nhiều biến động mạnh mang yếu tố tiêu cực về xu hướng trước áp lực lạm phát và nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, các yếu tố trên sẽ ít ảnh hưởng dần đến diễn biến của thị trường nhưng vấn đề lạm phát vẫn có thể sẽ được quan tâm nhiều vì điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của Fed. Điểm tích cực là xu hướng của giá dầu và giá khí đã xác nhận giảm cho thấy lạm phát tháng 6 có thể sẽ hạ nhiệt.

Theo ông Đào Tuấn Trung – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCK VietinBank (CTS), trong tuần mới, thị trường sẽ dần dần ổn định trở lại do các thông tin tiêu cực đã phản ánh hết vào diễn biến của thị trường trong tuần vừa rồi, tuy nhiên sự e dè của nhà đầu tư với thị trường vẫn còn, cũng như tâm lý chờ đợi kết quả kinh doanh quý 2 sẽ được công bố trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco đánh giá, lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tháng 5/2022 tiếp tục ghi nhận mức cao nhất trong vòng 30 năm qua khi Mỹ 8,6% yoy, EU khoảng 8,1% yoy. Điều này đã đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương khiến thị trường chứng khoán thế giới chịu tác động tiêu cực do các nhà đầu tư gia tăng áp lực bán lên các tài sản có rủi ro cao như cổ phiếu.

Chung đà giảm với thị trường thế giới, thị trường chứng khoán trong nước cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng, tuy nhiên tôi cho rằng đây là những ảnh hưởng tâm lý của thị trường trong ngắn hạn.

Thời gian sắp tới, thị trường có thể có những tín hiệu phục hồi khi được hỗ trợ bởi các thông tin như triển vọng tích cực từ kết quả kinh doanh quý II/2022 của các doanh nghiệp.

Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Môi giới CTCK TP. HCM (HSC) đánh giá: "Rõ ràng việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu trong đó có Việt Nam. Cá nhân tôi đánh giá Fed đang rơi vào thế khó bởi một mặt phải đối phó với lạm phát, một mặt phải đối diện với nguy cơ nền kinh tế Mỹ suy thoái.

Việc thị trường đã phản ánh hết thông tin Fed nâng lãi suất 0,75% hay chưa, quan điểm cá nhân tôi cho rằng là chưa. Không chỉ thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Hiện tại nhiều ý kiến đang bình luận "đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán", cá nhân tôi cho rằng nhận định như vậy có phần chưa toàn diện vì ngoài rủi ro lạm phát, thị trường còn nhiếu yếu tố khác tác động. Mối quan hệ giữa thị trường trái phiếu – cổ phiếu – hàng hóa là mối quan hệ động và thay đổi tùy theo bối cảnh kinh tế.

Cá nhân tôi cho rằng góc nhìn liên thị trường vẫn còn rất nhiều rủi ro bởi câu chuyện không chỉ dừng ở áp lực lạm phát hiện tại mà có khả năng là "lạm phát đình đốn" – Stagflation, giống như những năm 1970. Do đó, việc kỳ vọng đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán như nhiều đang đưa ra cần phải xem xét kỹ. Dưới góc nhìn các loại tài sản ngoài thị trường cổ phiếu, tôi nhận thấy vẫn còn rủi ro lớn ở thị trường trái phiếu Mỹ & châu Âu.

Bên cạnh đó, thị trường tiền số, rất nhạy với dòng tiền và rủi ro cũng đang cho thấy những dấu hiệu rất xấu trong thời gian qua.

Hiện tại, giá cả hàng hóa leo thang là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những thời điểm nền kinh tế rơi vào suy thoái, giá cả hàng hóa tạo đỉnh và cùng rơi với thị trường cổ phiếu như thời điểm đầu những năm 2000, khủng hoảng 2007 - 2008 hay đầu dịch COVID năm 2020. Do đó việc khẳng định lạm phát nói chung hay giá hàng hóa nói riêng tạo đỉnh thì chứng khoán tạo đáy, không phải trong bối cảnh nào cũng đúng và cần theo dõi cẩn trọng".

Giá thép hôm nay 27/12: tiếp tục giảm trước kỳ nghỉ lễ

Giá kim loại đồng ngày 27/12: giữ giá bán

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-viet-nam-hap-thu-tin-fed-the-nao-136343.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chứng khoán Việt Nam "hấp thụ" tin Fed thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH