Vĩ mô

Chuỗi cung ứng toàn cầu: Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài cuộc chơi lớn?

Khúc Văn 21/01/2025 6:02

Về sự tham gia của các doanh nghiệp nội trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia khẳng định xuất khẩu là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, song doanh nghiệp nội địa hiện vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm

Phát biểu tại một Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu vấn đề trong ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này.

"Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu Tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của Lãnh đạo về thành tích của Ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là “ngộ nhận”, là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình” không", Tổng Bí thư nói.

Chuỗi cung ứng toàn cầu: Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài cuộc chơi lớn?
Tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm.

Đồng quan điểm, TS Phạm Hùng Tiến, chuyên gia về đầu tư FDI, cho rằng cần nhìn vào thực tế là các tỉnh nằm trong thủ phủ đầu tư FDI phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên đang có giá trị xuất khẩu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước nhưng lại nằm ngoài nhóm 10 thu ngân sách lớn nhất nước. Điều này phần nào cho thấy phần nhận được từ các "kỳ tích" xuất khẩu mà doanh nghiệp FDI mang lại là không tương xứng, thậm chí là rất ít.

"Việt Nam cần quan tâm thu hút đầu tư FDI để phục vụ thị trường trong nước, chứ không nên chạy theo các tập đoàn FDI chỉ hướng tới xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp FDI sản xuất phục vụ thị trường ngoài nước thì chúng ta rất khó thu được thuế. Họ đến Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, khi hết lợi thế họ sẽ dời nhà máy đi chỗ khác", ông Tiến nêu vấn đề.

Tương tự, thừa nhận những đóng góp của khu vực FDI với nền kinh tế, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định xuất khẩu là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, song doanh nghiệp nội địa hiện vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dù duy trì xuất khẩu khá tích cực, song tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm.

“Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Dương cho hay.

Thông tin thêm, ông Dương cho biết tỷ trọng giá trị gia tăng trong nước trong xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm, từ 59,5% năm 2005 xuống 55,1% năm 2015, và còn 52,0% năm 2020. Đáng chú ý, phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp ở trong nước trong xuất khẩu tăng với tốc độ chậm lại.

“Hiện doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sẵn mạng lưới, trong khi trình độ lao động trong nước thấp, doanh nghiệp thiếu kênh thông tin về chiến lược mua hàng của FDI và khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn hạn chế”, ông Dương nói.

>>Trả gộp 2 tháng lương hưu trước Tết: Người đang hưởng mức cao nhất Việt Nam nhận về 322 triệu đồng

Trình độ lao động trong nước thấp

Theo thống kê, hiện cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp song số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm 0,005% tổng doanh nghiệp trên cả nước...

Chuỗi cung ứng toàn cầu: Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài cuộc chơi lớn?
Trình độ lao động trong nước thấp

Dẫn số liệu của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, trong 5.000 doanh nghiệp này chỉ có 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1. Sau gần 40 năm phát triển doanh nghiệp, tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp” - TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, nhận định tại diễn đàn kinh doanh "Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” vào chiều 26.6.

Cũng theo ông Bình, một số khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt đang gặp phải khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là việc đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe, yêu cầu cao về phương diện kỹ thuật, quản trị và thời gian giao hàng của doanh nghiệp đầu chuỗi.

"Họ yêu cầu doanh nghiệp Việt phải thiết lập hệ thống công nghệ đáp ứng yêu cầu về sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, lao động, điều kiện về vệ sinh an toàn lao động. Những yêu cầu này không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được" - TS Bình nêu thực tế.

Một điểm nghẽn nữa là yêu cầu về sản xuất xanh từ thị trường quốc tế ngày càng cao, buộc các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình xanh hoá sản xuất. Để đáp ứng những yêu cầu trên, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều, trong khi đầu tư đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và phải liên tục đáp ứng yêu cầu của đầu chuỗi.

Hơn nữa, để bỏ ra số tiền vốn lớn, doanh nghiệp phải có niềm tin rất lớn vào môi trường kinh doanh, khi họ đầu tư sẽ là an toàn, sẽ không có quá nhiều sự thay đổi về cơ chế chính sách, không có sự thay đổi về quy định pháp luật.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng cho rằng, mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

‘Đi sau, về trước’: Một tỉnh phía Bắc gia nhập câu lạc bộ tỷ đô, là 'căn cứ’ của hàng loạt ông lớn FDI

Vùng đồng bằng sở hữu tới 4 tỉnh thành có GRDP tăng trưởng 2 con số, FDI cao nhất cả nước

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuoi-cung-ung-toan-cau-vi-sao-doanh-nghiep-viet-van-dung-ngoai-cuoc-choi-lon-272480.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuỗi cung ứng toàn cầu: Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài cuộc chơi lớn?
    POWERED BY ONECMS & INTECH