Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang ngày càng nhiều tình tiết mới lạ từ lời khai của Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác.
Phiên tòa xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan vẫn đang diễn ra tại TAND thành phố Hồ Chí Minh. Lời khai tại tòa của các bị cáo hé lộ thêm nhiều thông tin mới.
Sinh ra trong gia đình tiểu thương, thao túng SCB từ lời kêu gọi tái cơ cấu ngân hàng
Khai tại tòa, bà Trương Mỹ Lan “kể”, mình sinh ra tại TP. HCM, mẹ là tiểu thương của chợ Bến Thành từ ngày mới giải phóng.
Làm tiểu thương chợ Bến Thành đến năm 1992 thì bị cáo Trương Mỹ Lan thành lập công ty từ tài sản tích lũy được của gia đình.
Cáo trạng vụ án chỉ rõ, trước thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan đã nắm cổ phần chi phối tại SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất, dù bị cáo không là cổ đông của nhà băng nào. Sau khi 3 ngân hàng hợp nhất, bà Trương Mỹ Lan thông qua các pháp nhân, cá nhân nhờ đứng tên, sở hữu trên 91% vốn điều lệ.
Tuy vậy, theo khai nhận, bà Lan cho biết thực trạng SCB và 2 ngân hàng còn lại trước khi sáp nhập bị rút tiền hàng loạt, trong tình trạng yếu kém. Để cứu vãn tình hình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vận động các doanh nghiệp tham gia tái cơ cấu nhưng không ai dám vào. Bà Lan được mời tham gia cố vấn để hợp nhất 3 ngân hàng bởi "có tài sản có thể đưa vào cho ngân hàng mượn" để làm tài sản đảm bảo đi vay NHNN hoặc các liên ngân hàng, tránh vỡ nợ.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện những công ty kiểm toán từng kiểm toán BCTC cho SCB 
Sau đó, NHNN đề nghị bị cáo mua 65% vốn cổ phần để ổn định ngân hàng, kêu gọi đối tác với ưu tiên là gọi vốn từ các đối tác nước ngoài. Bị cáo “thấy trách nhiệm của mình” là chỉ cho mượn tài sản và tìm kiếm đối tác nên đồng ý với suy nghĩ “chỉ ở vòng ngoài”. Bị cáo cho rằng tham gia tái cơ cấu vì tin mình có thể giúp SCB.
Theo lời khai, bà Trương Mỹ Lan đã cho mượn khách sạn Winsor trị giá hơn 1 tỷ USD, đồng thời dốc hết tài sản của gia đình để thực hiện tái cơ cấu, thậm chí còn nhờ tới sự giúp đỡ của bạn bè. Bị cáo cho rằng đã nhận thức được việc nếu tái cơ cấu không thành công sẽ mất tất cả nên mới mạo hiểm.
Khách sạn Winsor |
Liên quan đến việc thâu tóm SCB, bà Lan cho rằng “Để cứu SCB thì phải có nhà đầu tư, nhà đầu tư thì phải có ngân hàng bảo đảm và bị cáo phải nhận mình là cổ đông của SCB để có sự tin tưởng”. Gia đình bị cáo có sự tôn trọng từ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những tài sản bị cáo đưa vào rút ra chỉ là nhằm tái cơ cấu SCB.
Đối với việc tái cơ cấu SCB thời kỳ đó, tại tòa, cũng đã có nhiều lời khai của các bị cáo liên quan đến sự kiện. Bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn trình bày, trong giai đoạn 2012, Chính phủ có chủ trương lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, việc tái cơ cấu đều phải xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện.
Tái cơ cấu các khoản nợ vay tại SCB thực chất là do tình hình nợ xấu tăng cao, tài sản thế chấp giá trị thấp, pháp lý lỏng lẻo nên chủ trương là đưa các tài sản có giá trị, pháp lý bảo đảm, gia hạn các khoản nợ... Bị cáo biết bà Lan là cổ đông lớn nhưng không biết tỷ lệ là bao nhiêu.
Hai bị cáo Trương Mỹ Lan và Uông Văn Ngọc Ẩn |
Chuyển lượng tiền lớn ra nước ngoài để đầu tư
Tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan mong HĐXX đừng dùng từ "thâu tóm ngân hàng" với luận điểm cho rằng nếu muốn thâu tóm thì bị cáo phải đưa toàn bộ người của bị cáo vào quản lý, nhưng bị cáo chỉ thực hiện đúng vai trò nhiệm vụ của mình khi hứa tham gia tái cơ cấu, các cổ phần không phải của bị cáo mà còn là của bạn bè, ai có thể đứng tên được đều đứng tên cổ đông cho SCB.
HĐXX dẫn chứng lời khai của các bị cáo nắm giữ cổ phần tại Ngân hàng SCB đều xác nhận phần lớn cổ phần đứng tên bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan lại cho rằng, trong quá trình điều tra, có lúc khai đúng, có phần khai chưa đúng và bản thân chưa bao giờ xác nhận nắm giữ 91% cổ phần tại Ngân hàng SCB.
>> Lý lẽ đanh thép khi các bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn vòng vo 
Với những lời khai trên, bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại cáo buộc 1.000 công ty ma. Bà Lan cho rằng các công ty này đều có tài khoản, có số dư, không liên quan đến Vạn Thịnh Phát.
Ngoài ra, bà Lan cũng “chối”: "Những công ty thẩm định giá hoàn toàn không liên quan bị cáo, mong HĐXX xem xét lại định giá bất động sản là theo giá thị trường, lúc cao lúc thấp.
Bị cáo đề nghị các tài sản phải định giá đúng giá thị trường, bị cáo sẵn sàng dùng tài sản để giúp SCB, nhưng bị cáo không gây thiệt hại cho SCB".
Trước đó, bà Lan cho biết “bản thân và gia đình có đủ khả năng khắc phục hậu quả vụ án”, có thể cung cấp danh sách 10 tài sản lớn không liên quan vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan và Trương Khánh Hoàng |
Liên quan đến dòng tiền rút ra tại SCB, tại phiên toà, khi hỏi cung Trương Khánh Hoàng, Quyền Tổng Giám đốc SCB, đại diện Viện Kiểm sát đề cập đến một biên bản hỏi cung, Hoàng khai: "Trương Mỹ Lan có những cách thức chuyển tiền ra nước ngoài".
Bị cáo thừa nhận, cho biết lúc đó với vai trò Phó Tổng Giám đốc "có phê duyệt một số lệnh chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu bên nhóm của chị Lan". Các lệnh chuyển tiền này là để thanh toán việc mua vốn góp của công ty nước ngoài ở Việt Nam, thanh toán cho các khoản tín dụng khi bà Lan đi nước ngoài.
"Việc chuyển tiền ra nước ngoài bị cáo không được họp bàn, mà chỉ làm theo yêu cầu", Hoàng khai. "Khi lập hồ sơ, bị cáo sẽ làm việc với nhóm của Nguyễn Phương Anh và bên này sẽ phụ trách thực hiện giải quỹ. Tiền sau khi giải ngân thì việc sử dụng sẽ do bà Lan chỉ đạo". Tiền ra nước ngoài được bà Lan đầu tư dự án.
Theo lời khai, Trương Khánh Hoàng biết Trương Mỹ Lan đầu tư cùng đối tác nước ngoài bằng hình thức đặt cọc, thông qua Cục Phòng chống rửa tiền, nhiều lần và số tiền rất lớn.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện những công ty kiểm toán từng kiểm toán BCTC cho SCB 
Bà Trương Mỹ Lan xin HĐXX chuyển 1.000 tỷ đồng mà ông Nguyễn Cao Trí trả vào SCB