Chuyên gia: 'Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng là hoàn toàn phù hợp'
Chuyên gia cho rằng, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng là giải pháp tốt giúp gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp đồng thời người dân cũng phấn khởi hơn trong điều kiện vật giá leo thang.
Bộ Tài chính “lắc đầu” trước đề xuất bỏ thuế
Tham gia góp ý cho dự thảoLuật Thuế tiêu thụ đặc biệt  (TTĐB) sửa đổi, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính  đánh giá toàn diện hơn để có cơ sở đề xuất loại bỏ một số mặt hàng đang chịu thuế TTĐB ra khỏi đối tượng đánh thuế.
Chính phủ đề xuất giảm thuế xăng dầu đến hết 2024. |
Bộ Tư pháp đưa ra ví dụ về mặt hàng xăng E5 - E10 là loại nhiên liệu có hàm lượng 5-10% cồn sinh học. Đây là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên việc đánh thuế có thể không còn phù hợp. Mục đích của loại thuế này là định hướng tiêu dùng nhưng chưa có mặt hàng thay thế xăng cho sản xuất nên không có lựa chọn.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xăng sinh học E5 và E10 chưa thay thế được xăng khoáng do thói quen người tiêu dùng và ưu điểm của xăng khoáng nên việc thay thế cần có lộ trình. Mặt hàng xăng hiện nay ngoài chịu thuế TTĐB còn chịu thuế bảo vệ môi trường. Vì vậy, bộ này đề nghị xem xét giảm thuế suất với mặt hàng xăng khoáng nhưng có thể xem xét điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường để phù hợp với mục tiêu đánh thuế.
Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhiều lần đưa ra kiến nghị bỏ sắc thuế này với lý do xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế TTĐB đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Trong khi, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ môi trường sẽ bị trùng mục tiêu với thuế bảo vệ môi trường đang áp lên mặt hàng này.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính  lại không đồng ý với những đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu từ phía các cơ quan bộ ngành. Bộ này cho rằng, xăng E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON 92 và 5%, 10% cồn sinh học. Còn xăng khoáng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, do đó, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này.
Tại Việt Nam, thuế TTĐB đánh vào mặt hàng xăng có từ năm 1995 và hiện chưa thể bỏ thuế này trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào 2050. Quy định này nhằm điều tiết tiêu dùng với mặt hàng cần sử dụng tiết kiệm, phù hợp thông lệ quốc tế.
Năm 2021, nguồn thu từ sắc thuế này với xăng các loại khoảng 9.777 tỷ đồng, gồm cả nhập khẩu và nội địa, chiếm 6,88% tổng thu thuế TTĐB.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 22-23 triệu m3, tấn xăng dầu các loại. Theo số liệu của Bộ Công Thương, nửa đầu năm nay, cả nước tiêu thụ khoảng 13,2 triệu m3/tấn xăng dầu, giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bỏ thuế TTĐB với xăng, người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn phù hợp. Điều này giúp giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp, các cá nhân và sử dụng xăng là người tiêu dùng.
Nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng thì giá bán xăng sẽ giảm xuống. Điều này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, đồng thời sẽ tiết kiệm được một phần chi phí, giúp các doanh nghiệp có một khoản tiền dôi dư, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, có thêm vốn để đầu tư vào sản xuất, đào tạo nhân lực, nghiên cứu và mở rộng thị trường, làm cho các doanh nghiệp cân đối tài chính tốt hơn...
Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định rà soát chi phí kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa |
Từ đó, điều này sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bởi, để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững cần phải có những hỗ trợ về chính sách thuế. Do đó, việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng là một giải pháp tốt, phù hợp điều kiện thực tế khi giá xăng dầu thế giới không tăng, chi phí vận tải, logistics quá cao.
Hơn nữa, người dân cũng sẽ là đối tượng được hưởng lợi khi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng. Điều này làm tăng phúc lợi cho người dân, khiến họ phấn khởi hơn trong điều kiện “vật giá leo thang”. Đồng thời, động thái này thể hiện rõ hơn những chủ trương, chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước. Khi giá xăng giảm, cuộc sống người dân sẽ ổn định hơn, người nghèo bớt khốn khó hơn, nhân dân sẽ thêm tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, sau dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi mạnh mẽ như mong đợi. Nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng sẽ tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho rằng, thuế TTĐB với xăng áp từ năm 1995, đến nay đã kéo dài khoảng 30 năm trong khi kinh tế có quá nhiều thay đổi và các lập luận đưa ra để giữ đều không thuyết phục.
Ông Phú thẳng thắn cho rằng, thuế TTĐB đánh vào xăng là vô lý vì xăng đã gánh thuế bảo vệ môi trường rồi và không thể coi xăng như rượu bia, thuốc lá được. Bên cạnh đó, thực tế doanh nghiệp và người dân hiện đang gặp nhiều khó khăn. Năng lực cạnh tranh về giá của doanh nghiệp rất yếu do chi phí đầu vào tăng cao. Thuế, phí đang chiếm 17 - 20% trong giá xăng dầu là rất cao.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng: “Nếu nói phải đánh thuế TTĐB để bảo vệ nguồn thu thì trong thực tế, chính sách giảm thuế phí giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh rất lớn, song song đó giúp người tiêu dùng tăng chi tiêu do được mua hàng hóa với giá cả hợp lý hơn. Giảm thuế TTĐB giúp kích cầu, doanh nghiệp sẽ tăng sản xuất, lợi nhuận tăng, dẫn đến nộp thuế tăng. Như vậy, ngân sách có lợi hơn so với trước. Đó cũng là chính sách khoan sức dân, sức doanh nghiệp mà chúng ta thường đề cập”.
>>Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát