Chuyên gia cảnh báo Trung Quốc sắp tới điểm ‘không còn gì để mất’, Mỹ áp thuế 1.000% cũng vô ích
“Cho dù thuế có là 70% hay thậm chí 1.000% cũng không khác biệt nhiều, vì về bản chất, điều đó đồng nghĩa với việc chặn đứng hoạt động thương mại trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ”, Giám đốc Trung Quốc tại Eurasia Group, cho biết.
Các nhà kinh tế cho biết Trung Quốc đang nhanh chóng tiến đến điểm mà họ “không còn gì để mất” trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng với Mỹ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thêm 50% thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bất chấp lập trường cứng rắn của ông Trump, một số chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả , bởi tác động kinh tế biên của những đòn thuế mới từ Mỹ đang giảm dần, khi mức thuế hiệu quả đã tăng nhanh chóng.

“Hiện nay, biên lợi nhuận của ngành xuất khẩu Trung Quốc vào khoảng 30 - 40%,” bà Dan Wang, Giám đốc Trung Quốc tại Eurasia Group, cho biết. “Nếu Mỹ áp thuế vượt quá 35%, hầu hết lợi nhuận sẽ bị xóa sạch, khi đó, dù thuế có là 70% hay thậm chí 1.000% cũng không khác biệt nhiều, vì về bản chất, điều đó đồng nghĩa với việc chặn đứng hoạt động thương mại trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ”.
“Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả; họ sẽ không lùi bước”.
Lời cảnh báo của ông Trump hôm qua (7/4) đã đe dọa đẩy mức thuế tổng cộng lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vượt quá 100% vào thứ Tư, sau khi Bắc Kinh áp mức thuế 34% nhằm đáp trả mức thuế “tương hỗ” mà ông Trump ban hành trong ngày được ông gọi là “Ngày giải phóng”.
“Hơn nữa, mọi cuộc đàm phán với Trung Quốc liên quan đến các yêu cầu gặp mặt của họ với chúng tôi sẽ bị hủy bỏ”, ông Trump viết trên mạng xã hội.
Bà Wang giải thích rằng, dù các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế mới là chi phí xuất khẩu tăng vĩnh viễn, điều đó không có nghĩa là xuất khẩu sẽ chấm dứt. Thay vào đó, họ buộc phải tìm kiếm thị trường mới và giảm bớt lượng hàng xuất trực tiếp sang Mỹ.
“Miễn là đồng nhân dân tệ vẫn ổn định, hiện tại đang có xu hướng tăng giá so với USD, thì người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu chi phí cao hơn so với các nhà xuất khẩu Trung Quốc”, bà nói.
Bà Alicia Garcia-Herrero, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, cũng cho rằng đe dọa mới nhất của Trump không còn quá hiệu quả.
“Thị trường Mỹ về cơ bản đã đóng cửa với hàng hóa Trung Quốc, ít nhất là hàng xuất trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ,” bà nói. “Vì vậy, việc tăng thêm 50% thuế không còn là một mối đe dọa thực sự”.

Theo bà, hành động này phản ánh nỗ lực ngày càng mạnh mẽ của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.
“Tôi nghĩ Trung Quốc trả đũa vì hai lý do”, bà Garcia-Herrero nhận định. “Thứ nhất là vì Trung Quốc bị nhắm mục tiêu riêng lẻ. Thứ hai, Trung Quốc có đủ công cụ để đáp trả”.
“Do đó, để đảm bảo các quốc gia khác không trả đũa, Mỹ đã làm hai việc: kêu gọi đàm phán để gia hạn thời hạn áp thuế và đồng thời tiếp tục trừng phạt Trung Quốc”.
Nếu lời đe dọa mới nhất của Trump trở thành hiện thực, tổng mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 115%, theo bà Su Yue, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit.
Mức thuế 50% này được cộng dồn lên mức thuế 34% được công bố tuần trước và hai đợt tăng thuế 10% vào tháng 2 và 3. Tất cả đều sẽ cộng thêm vào các mức thuế được áp trong thời kỳ đầu của ông Trump theo Mục 301. Theo tính toán, tổng mức thuế hiệu quả có thể lên tới 65–70%, chưa tính đến mức tăng mới 50%.
Bà Su nhận định mức thuế 50% mới này sẽ tạo ra sự chênh lệch chi phí rõ rệt giữa Trung Quốc và các quốc gia như Việt Nam, cho đến khi ông Trump tuyên bố mức thuế 46% với nước này vào tuần trước.
“Việc áp thêm 50% thuế lên Trung Quốc, trong khi vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với các quốc gia khác, cho thấy chiến lược ‘Trung Quốc + 1’ vẫn còn cơ hội”, bà nói.
Đối mặt với lệnh áp thuế sớm hơn dự kiến, Chính phủ Trung Quốc sẽ càng quyết tâm thúc đẩy chính sách tiêu dùng nội địa, điều vốn đã rất cần thiết, bà Su dự đoán.
“Tôi cảm thấy Trung Quốc đang tiến gần đến tâm thế ‘không còn gì để mất’,” bà nói. “Vì vậy, nếu Bắc Kinh thực sự cam kết tái cấu trúc nền kinh tế, thì đây có thể không phải là điều quá tệ.”
Để duy trì mức tăng trưởng khoảng 4,5%, trong bối cảnh nguy cơ suy thoái tại Mỹ và tác động lan tỏa toàn cầu, Trung Quốc có thể cần một gói kích thích tài khóa bổ sung lên tới 2.000 tỷ NDT (tương đương 273 tỷ USD), bà Su nói thêm.
Theo SCMP
>> Trung Quốc bất ngờ 'thả' tỷ giá xuống đáy 7 tháng, liệu có phá giá nhân dân tệ?
Nắm trong tay 70% 'kho báu' chiến lược, Trung Quốc có thể 'tung đòn đau' đáp trả Mỹ?
Trung Quốc cảnh báo cứng rắn khi ông Trump đe dọa tiếp tục đánh thuế bổ sung