Chuyên gia đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, lập sàn vàng

18-05-2024 21:35|Mạc Thùy

Theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng Việt Nam mỗi năm khoảng 50 tấn, tương đương 3 tỷ USD.

Chia sẻ tại tọa đàm "Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 17/5, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho doanh nghiệp (DN) được nhập khẩu vàng.

Phát biểu tại tọa đàm, GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thị trường vàng trong nước đang cách biệt quá xa so với thị trường thế giới. Việc nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng dẫn đến sự cách biệt đó càng lớn hơn.

"Các kênh đầu tư hiện khó khăn, gửi tiết kiệm lãi suất thấp, người dân tìm đến vàng như một kênh đầu tư khá an toàn. Bối cảnh nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế, giá trong nước sẽ lên cao", GS-TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Để bình ổn thị trường vàng thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, hiện nay bối cảnh kinh tế đã khác, đã có đủ công cụ quản lý để vàng trở về đúng nghĩa chức năng như một loại tài sản để tích trữ, đầu tư. Do đó, cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC để thị trường điều tiết và có sự quản lý của nhà nước.

Khi sửa đổi Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng, ông Cường đề xuất "Không cần quy định nhãn hiệu vàng miếng độc quyền của Nhà nước", mà các doanh nghiệp đủ điều kiện đều có thể sản xuất vàng miếng. Với quy định theo hướng nới lỏng này, kỳ vọng sẽ tạo sự cạnh tranh về giá trên thị trường, khi đó vàng SJC chưa chắc đã có giá cao hơn các thương hiệu vàng khác.

Tại tọa đàm, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cũng đồng tình với việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC, trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp.

"Nhà nước cấp phép cho họ nhập khẩu bình thường và quản lý việc xuất nhập khẩu bằng thuế. Sức mạnh hữu hiệu nhất để quản lý là công cụ thuế", TS Lê Xuân Nghĩa nói. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, việc đánh thuế cần ở mức độ vừa đủ, nếu đánh thuế nhập khẩu quá cao sẽ có nhập lậu vàng.

Về lập sàn giao dịch vàng vật chất, đây cũng là quan điểm của GS-TS Hoàng Văn Cường, TS Lê Xuân Nghĩa. Các chuyên gia này cho rằng Trung Quốc là quốc gia đã thành công với mô hình sàn giao dịch vàng tập trung, Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm này.

Trước một số ý kiến lo ngại về nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng Việt Nam mỗi năm khoảng 50 tấn, tương đương 3 tỷ USD. "Con số này chưa bằng một nửa kim ngạch xuất khẩu rau củ của Việt Nam, cũng chưa bằng 1/5 lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023" - TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Vàng SJC neo cao 90 triệu: Đấu thầu vàng cần bán cho người mua giá thấp nhất

Ngân hàng Nhà nước đã 'xả' hơn 1,02 tấn vàng ra thị trường

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-de-xuat-bo-doc-quyen-vang-mieng-lap-san-vang-235302.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuyên gia đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, lập sàn vàng
    POWERED BY ONECMS & INTECH