Thị trường

Chuyên gia dự báo GDP Việt Nam 2025: Có thể vượt mục tiêu 7%

Nhị Hà/Thị trường tài chính 16/11/2024 - 15:20

"Tôi dự báo hai kịch bản trong năm 2025. Ở kịch bản thận trọng, chúng ta sẽ có mức tăng trưởng GDP 6,8-7,3% với lạm phát ổn định trong khoảng 3,2-3,5%. Còn trong kịch bản tích cực, GDP có thể đạt từ 7,3-7,8% và lạm phát nằm trong mức 3,5-3,8%" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu GDP 2025 tăng 6,5-7%

Vào chiều ngày 12/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với gần 89% đại biểu biểu quyết tán thành.a

Theo Nghị quyết, Quốc hội xác định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 6,5-7%, vượt kế hoạch đề ra trước đó và gần với mục tiêu trên 7% mà Chính phủ phấn đấu cho năm nay. Lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 4,5%. Trong các phiên thảo luận trước đó, một số đại biểu đã đề xuất xem xét kỹ lưỡng hơn các chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thậm chí đưa ra phương án tăng trưởng ở mức hai con số.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh, cho rằng bối cảnh kinh tế toàn cầu trong năm tới còn nhiều bất định. Do đó, các chỉ tiêu của Chính phủ được thiết lập trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố thuận lợi và thách thức nhằm đảm bảo kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và đảm bảo cân bằng các yếu tố chính của nền kinh tế. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần linh hoạt, mở rộng hợp lý và có trọng tâm.

Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu GDP 2025 tăng 6,5-7%
Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu GDP 2025 tăng 6,5-7%

2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025

Trao đổi với PV Thị trường Tài chính, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mục tiêu Quốc hội đưa ra khá thận trọng và chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được. Nếu không có yếu tố bất ngờ như thiên tai, chiến tranh, hay tình hình lãi suất thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng vượt mức mục tiêu.

"Tôi dự báo hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ở kịch bản thận trọng, chúng ta sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 6,8-7,3% với lạm phát ổn định trong khoảng 3,2-3,5%. Còn trong kịch bản tích cực, GDP có thể đạt từ 7,3-7,8% và lạm phát nằm trong mức 3,5-3,8%. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, chúng ta cần tập trung vào việc duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cải thiện hạ tầng để tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển", ông Thịnh nói.

Phân tích thêm tình hình hiện tại, ông Thịnh cho biết, hiện tại các yếu tố nội tại đang hỗ trợ rất tốt cho kinh tế Việt Nam. Nhưng tác động của các yếu tố quốc tế, như quyết định hạ lãi suất của Fed, sẽ có ảnh hưởng khá lớn đến tốc độ tăng trưởng của chúng ta.

Việc Fed hạ lãi suất gần đây có ảnh hưởng rất tích cực đến kinh tế Việt Nam, dù có độ trễ nhất định. Ngày 19/9/2024, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Fed đã giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Sau đó không lâu, vào tháng 11, Fed tiếp tục giảm 25 điểm cơ bản nữa, đưa lãi suất xuống khoảng 4,5-4,75%.

Động thái hạ lãi suất này mang đến hai tác động chính. Thứ nhất, nó giúp ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 98,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, chiếm trên 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, với việc lãi suất giảm, đồng USD sẽ yếu hơn, đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu Mỹ có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, hỗ trợ mạnh cho xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, như đã nói, tác động sẽ không đến ngay mà có độ trễ. Ngoài ra, tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu, các yếu tố như lạm phát, chính sách thương mại và sự ổn định nội tại. Dù vậy, tôi cho rằng năm 2024 vẫn sẽ là một năm tăng trưởng tốt, nhờ sự phục hồi của kinh tế thế giới và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Sang năm 2025, nếu Fed tiếp tục lộ trình nới lỏng tiền tệ, Việt Nam sẽ còn có thể duy trì đà tăng trưởng ổn định hơn.

Đặc biệt, ông Thịnh cho rằng, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể đem đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ở nhiệm kỳ trước, ông Trump từng có nhiều chính sách bảo hộ, và nếu ông tiếp tục xu hướng này, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm sáng là Việt Nam vẫn có khả năng duy trì đà tăng trưởng ổn định. Với việc ông Trump cam kết đánh thuế 10% trên tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế 60% đối với hàng từ Trung Quốc, Việt Nam có thể hưởng lợi từ vị thế cạnh tranh. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế về giá rẻ như cá tra, cá basa sẽ đặc biệt cạnh tranh tại thị trường Mỹ khi giá thành thấp hơn cá Mỹ và Trung Quốc, do đó có thể chiếm lĩnh một phần thị phần tại đây.

"Dĩ nhiên, Việt Nam cũng cần cảnh giác với khả năng Mỹ áp thuế lên hàng hóa của chúng ta, nhất là khi thương mại Mỹ - Việt ngày càng phát triển. Nhưng tôi tin rằng khả năng đánh thuế nặng lên hàng hóa Việt Nam là khá thấp. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở chi phí nhân công mà còn ở hạ tầng cải thiện và sự linh hoạt, nhanh nhạy của các doanh nghiệp trong nước. Chính điều này giúp chúng ta duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp sự thay đổi từ chính sách thuế quan của Mỹ", ông Thịnh nói.

>>Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP trên 7%, tạo đà bước vào kỷ nguyên mới

VinaCapital dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6,5% vào năm 2025

Thủ tướng: Mục tiêu GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 4.900 USD, 'cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ'

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-du-bao-gdp-viet-nam-2025-co-the-vuot-muc-tieu-7.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuyên gia dự báo GDP Việt Nam 2025: Có thể vượt mục tiêu 7%
    POWERED BY ONECMS & INTECH