HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 lên 7% sau quý III tích cực
Dự báo của HSBC hiện là mức cao nhất trong số các tổ chức quốc tế, tương đương với mục tiêu Việt Nam đặt ra, từ 6,5% đến 7%.
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo "Vietnam at a glance - Riêng một đẳng cấp", trong đó đặc biệt nhấn mạnh các diễn biến kinh tế tích cực trong quý III/2024 và điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2024.
Theo báo cáo, với những kết quả tích cực và bất ngờ trong quý III, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 7%, so với mức dự báo trước đó là 6,5%.
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 vẫn được giữ nguyên ở mức 6,5%. HSBC cũng duy trì dự báo về lạm phát và lãi suất chính sách, với nhận định rằng các rủi ro từ bên ngoài không ảnh hưởng đáng kể.
Dự báo của HSBC hiện là mức cao nhất trong số các tổ chức quốc tế, tương đương với mục tiêu Việt Nam đặt ra, từ 6,5% đến 7%.
Trước đó, các tổ chức như ADB và Ngân hàng Thế giới (WB) lần lượt giữ nguyên và nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 6% và 6,1%, trong khi IMF và UOB đưa ra mức tương ứng là 6,1% và 6,4%.
Dự báo các chỉ số vĩ mô chính, nguồn: HSBC |
HSBC nhận định rằng, sau những khó khăn trong năm 2023 và quý I/2024, Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng của khu vực ASEAN. Tăng trưởng GDP quý III/2024 đạt 7,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo của HSBC (6,2%) và Bloomberg (6,1%).
Sản xuất tiếp tục là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, với mức tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời thương mại cũng có sự cải thiện rõ rệt. Xuất khẩu quý III/2024 tăng 15,3% so với năm ngoái, không chỉ tập trung vào lĩnh vực điện tử mà còn lan tỏa sang các ngành dệt may và da giày, với mức tăng trưởng 16,7%.
Mặc dù siêu bão Yagi có thể tác động đến xuất khẩu trong tháng 9, HSBC dự báo rằng ảnh hưởng này sẽ chỉ diễn ra ngắn hạn.
Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 9 giảm mạnh, cho thấy sự sụt giảm khi các doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất sau thiệt hại. Tuy nhiên, niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất vẫn tích cực, với nhu cầu cơ bản mạnh mẽ hỗ trợ cho triển vọng dài hạn.
Ngược lại, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi siêu bão, với hơn 345.000 ha hoa màu bị phá hủy. Chính phủ và các ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ, bao gồm giảm lãi suất cho vay đến cuối năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, tăng trưởng dịch vụ trong nước vẫn ở mức tương đối chậm, đặc biệt là doanh số bán lẻ và lượng khách du lịch quốc tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, nguồn: HSBC |
Tuy nhiên, ngành bất động sản và tài chính đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực trong quý III/2024. Luật Đất đai sửa đổi và các biện pháp giảm thuế của chính phủ đã góp phần củng cố niềm tin trên thị trường bất động sản và hỗ trợ lĩnh vực bán lẻ.
FDI vào Việt Nam vẫn duy trì mức tích cực, dù mức tăng trưởng đăng ký mới giảm trong quý III/2024. Các lĩnh vực như bất động sản và năng lượng vẫn thu hút dòng vốn ngoại.
Trong tương lai, những nỗ lực mở rộng quan hệ quốc tế, như việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
>> UOB: Tăng trưởng quý IV sẽ giảm xuống còn 5,2% do tác động kéo dài của siêu bão Yagi