Một dự án điện mặt trời ở Bình Thuận được HSBC bơm vốn gần 600 tỷ đồng
(Thị trường tài chính) - Leader Energy sẽ sử dụng khoản vay có thời hạn 7 năm để tái tài trợ cho nhà máy điện có công suất 83.000 megawatt giờ mỗi năm.
Theo tờ Nikkei đưa tin, mới đây ngân hàng HSBC  cùng với tập đoàn Leader Energy của Malaysia đã ký một thỏa thuận tài chính trị giá 593 tỷ đồng (tương đương 23,3 triệu USD) nhằm cấp vốn cho nhà máy điện mặt trời  ở tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, Leader Energy sẽ sử dụng khoản vay có thời hạn 7 năm để tái tài trợ cho nhà máy điện có công suất 83.000 megawatt giờ mỗi năm. Theo CEO Jenny Ng của tập đoàn đến từ Malaysia, các khoản đầu tư ở Việt Nam sẽ giúp công ty của bà đạt được mục tiêu net-zero vào năm 2050. Hiện Leader Energy đang chuyển dịch từ than đá và dầu diesel sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Là nước xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời cũng như nhà sản xuất điện mặt trời hàng đầu Đông Nam Á, Việt Nam đã thu hút được dòng vốn đầu tư từ nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Malaysia. Ví dụ, B. Grimm Group (Thái Lan) hiện đang vận hành một trong những trang trại điện mặt trời lớn nhất Việt Nam trong khi First Solar (nhà sản xuất tấm pin lớn nhất nước Mỹ theo giá trị vốn hóa) cũng có một nhà máy lớn ở TP. Hồ Chí Minh.
Ông Ahmed Yeganeh – Giám đốc phụ trách bộ phận bán buôn của HSBC Việt Nam, cho biết “thỏa thuận này cho thấy lĩnh vực tài chính có thể đóng vai trò chủ động trong việc mở khóa tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam”.
Tỉnh Bình Thuận, nơi có địa điểm du lịch Mũi Né nổi tiếng, sở hữu rất nhiều nhà máy điện mặt trời. Năm 2023, GRDP của Bình Thuận tăng 8,1%, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành.
Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về lãnh đạo thực hiện quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này coi công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là một trong những động lực chính để phát triển kinh tế, với mục tiêu sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia.
Theo Nikkei