Tài chính Ngân hàng

Chuyên gia Lâm Minh Chánh: Chứng khoán là kênh hấp dẫn nhất 2025, vàng có thể chiếm 10-20% danh mục đầu tư

Chi Hạ 11/02/2025 8:01

Theo chuyên gia Lâm Minh Chánh, nhà đầu tư chỉ nên giữ khoảng 10-20% giá trị danh mục là vàng và tuyệt đối không nên lướt sóng vàng vì “rất rủi ro”.

cover-pc.jpg
sapo-pc.jpg

Năm 2025 mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng cũng đi kèm những rủi ro đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất, lạm phát và chính sách tài khóa toàn cầu đang có nhiều biến động khó lường. Để đạt được thành công, nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược phù hợp và đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro hiệu quả.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni sẽ chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới, đồng thời phân tích các yếu tố cốt lõi tác động đến thị trường tài chính. Bên cạnh đó, ông sẽ cung cấp các chiến lược đầu tư thực tiễn và cách phân bổ nguồn vốn hợp lý để tối ưu hóa lợi nhuận.

PV: Chuyên gia đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2025? Những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính?

Chuyên gia Lâm Minh Chánh: Năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm chuyển biến lớn với nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các chính sách kinh tế và địa chính trị.

Theo đó, các chính sách kinh tế của Mỹ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra các kế hoạch tài khóa và chính sách thương mại mang tính bảo hộ cao đã tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Chính sách lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết hợp với xu hướng siết chặt nhập cư, được kỳ vọng sẽ giữ đồng USD ở mức cao, gây áp lực lên các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với xu hướng giảm phát và nhu cầu nội địa yếu, đặt áp lực lên chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường này.

Tình hình địa chính trị toàn cầu cũng diễn ra rất căng thẳng khi các xung đột tại châu Âu và Trung Đông sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá năng lượng và làm gia tăng biến động trên thị trường hàng hóa.

Dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo duy trì đà tăng trưởng với mức tăng GDP khoảng 7% trong năm 2025. Các yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bao gồm: Xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và tiêu dùng nội địa.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước, và dự kiến tăng 9-10% trong năm 2025. Các mặt hàng như điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục là động lực chính. Tuy nhiên, xuất khẩu linh kiện điện tử có thể chịu áp lực giảm do nhu cầu yếu từ thị trường quốc tế.

Giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất lịch sử với 661,3 nghìn tỷ đồng trong năm 2024. Dòng vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Song song đó, nhu cầu nội địa có dấu hiệu hồi phục nhờ các chính sách giảm thuế VAT, hạ lãi suất cho vay và tăng lương cơ bản. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9% trong năm 2024 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025.

Ổn định vĩ mô cũng là điểm sáng với chỉ số CPI năm 2024 duy trì ở mức 3,63%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Trong năm 2025, lạm phát được dự báo tăng nhẹ lên 4%, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nhờ giá dầu thấp và nguồn cung lương thực dồi dào.

Bên cạnh các yếu tố tích cực, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với những rủi ro nhất định. Biến động tỷ giá là một trong những thách thức lớn khi đồng VND đã mất giá 4,6% so với USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ dao động quanh mức 25.500 - 25.800 VND/USD trong quý I/2025. Điều này có thể ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu và các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Ngoài ra, các ngành như dệt may và gỗ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào Mỹ do ảnh hưởng của chính sách thương mại.

Các biến động trên thị trường năng lượng và hàng hóa cũng có thể làm gia tăng chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Với những phân tích trên, tôi cho rằng chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phát triển tích cực vừa phải đối với thị trường tài chính Việt Nam.

PV: Theo chuyên gia, nên phân bổ danh mục đầu tư như thế nào giữa các kênh như chứng khoán, bất động sản, vàng và tiền gửi?

Chuyên gia Lâm Minh Chánh: Không có một công thức chung nào cho việc phân bổ danh mục đầu tư, bởi điều này phụ thuộc vào mục tiêu và khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.

Dưới đây là một số gợi ý đối với một nhà đầu tư có mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn và chấp nhận rủi ro ở mức trung bình:

danh-muc(1).jpg

PV: Chuyên gia gợi ý kênh đầu tư Chứng khoán nên chiếm khoảng 50% danh mục, vậy những nhóm ngành cổ phiếu nào sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025?

Chuyên gia Lâm Minh Chánh: Trong năm 2025, tôi cho rằng các nhóm ngành sau sẽ có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn mức trung bình của thị trường:

Đầu tiên, nhóm công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh nhờ xu hướng chuyển đổi số và sự phát triển của các ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực sẽ tạo động lực tăng trưởng lớn cho ngành này. Những doanh nghiệp đầu ngành về phần mềm, viễn thông và dịch vụ công nghệ sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Thứ hai, ngành ngân hàng Việt Nam năm 2025 vẫn có triển vọng tích cực nhờ vào tăng trưởng tín dụng, sự ổn định vĩ mô và chuyển đổi số. Cổ phiếu của những ngân hàng kiểm soát được nợ xấu, kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng lợi nhuận sẽ là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư.

z6293145470712_efa8da338dc6f57f1558d5b95aef14da.jpg

Thứ ba, ngành bất động sản được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2025 nhờ những yếu tố hỗ trợ như sự cải thiện pháp lý, dòng vốn đầu tư công tăng mạnh và nhu cầu tiêu dùng hồi phục.

Thứ tư, tiêu dùng và bán lẻ cũng có triển vọng sáng sủa khi mức sống người dân ngày càng cải thiện, tiêu dùng nội địa vẫn sẽ duy trì ở mức cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư.

Thứ năm, xuất khẩu và logistics sẽ tiếp tục hưởng lợi trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và hàng hóa công nghiệp.

PV: Liệu bất động sản có tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế năm 2025 không thưa ông? Nếu có, phân khúc nào sẽ thu hút dòng vốn?

Chuyên gia Lâm Minh Chánh: Theo phân tích từ các tổ chức kinh doanh và nghiên cứu bất động sản, năm 2025, thị trường bất động sản được kỳ vọng khởi sắc nhờ đà hồi phục từ cuối 2024, với sự hỗ trợ từ chính sách, nguồn cung, hạ tầng và xu hướng đầu tư, mở ra chu kỳ tăng trưởng mới.

Trong đó, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ là "ngôi sao sáng" nhờ dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và Hải Phòng có tiềm năng lớn.

Phân khúc nhà ở giá rẻ và trung cấp luôn có nhu cầu cao do dân số trẻ và quá trình đô thị hóa tại các thành phố lớn. Nguồn cung chung cư căn hộ hạng B và C tại một số thành phố lớn được kỳ vọng sẽ tăng lên đáng kể trong giữa cuối năm 2025.

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, dù đang bị “ghẻ lạnh” và vẫn có rủi ro, nhưng nếu ngành du lịch phục hồi thì đây sẽ là một lĩnh vực thu hút dòng vốn dài hạn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng với rủi ro thanh khoản và biến động chính sách khi tham gia vào thị trường bất động sản.

PV: Vàng có tiếp tục là “nơi trú ẩn an toàn” trong năm 2025 hay không, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường biến động?

Chuyên gia Lâm Minh Chánh: Vàng sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng như một “nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh các yếu tố bất định vẫn còn hiện hữu trên thị trường toàn cầu. Việc các ngân hàng trung ương lớn như Fed hay ECB có thể thay đổi chính sách lãi suất sẽ làm tăng sự hấp dẫn của vàng như một tài sản chống lạm phát.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào lợi nhuận vượt trội từ vàng, mà thay vào đó nên xem đây là một công cụ bảo toàn giá trị và cân bằng rủi ro trong danh mục.

z6293345397475_45296114de07f7d1717c824eb4fc929c.jpg

PV: Nhà đầu tư nên áp dụng những chiến lược quản lý rủi ro nào trong năm 2025 để bảo vệ nguồn vốn của mình?

Chuyên gia Lâm Minh Chánh: Quản lý rủi ro là yếu tố then chốt để bảo vệ tài sản trong bất kỳ giai đoạn nào của thị trường, đặc biệt trong giai đoạn thị trường biến động.

Tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên áp dụng một số chiến lược quản lý rủi ro quan trọng bao gồm:

2(1).jpg

PV: Thưa chuyên gia, đâu là những sai lầm phổ biến mà các nhà đầu tư tài chính thường gặp phải? Ông có lời tư vấn nào dành cho các nhà đầu tư trong năm 2025 không?

Chuyên gia Lâm Minh Chánh: Một số sai lầm phổ biến mà nhà đầu tư dễ mắc phải có thể kể đến như: Sự tham lam dẫn đến việc dễ bị cuốn vào các loại lừa đảo tài chính; ham muốn làm giàu nhanh khiến họ lao vào “lướt sóng” với lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất lớn.

Đặc biệt, nhà đầu tư khi rót vốn nhưng không hiểu rõ sản phẩm, không có chiến lược cụ thể, không đặt mục tiêu rõ ràng và không biết cách quản lý rủi ro.

Để tránh những sai lầm này, tôi có một số lời khuyên đưa ra cho các nhà đầu tư.

Thứ nhất, không FOMO, không đầu tư vào những gì mình chưa hiểu rõ.

Thứ hai, không tham lam và không tin người mù quáng. Nhà đầu tư cần luôn nhớ câu “Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí” để tránh bị cuốn vào những dự án tài chính lừa đảo hứa hẹn lãi suất cao.

Thứ ba, nhà đầu tư cần học hỏi, tìm hiểu kiến thức cơ bản về tài chính, các sản phẩm đầu tư và chiến lược đầu tư.

Thứ tư, nhà đầu tư nên cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy về sản phẩm và thị trường.

Cuối cùng, rèn luyện bản lĩnh là yếu tố then chốt. Nhà đầu tư cần học cách quyết đoán, kiên nhẫn, kỷ luật và không để cảm xúc chi phối trong đầu tư.

Xin cảm ơn chuyên gia.

>> Chuyên gia phong thủy: Đầu tư vàng năm Ất Tỵ 2025, tuổi nào may mắn và gặp nhiều tài lộc nhất?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-lam-minh-chanh-chung-khoan-la-kenh-hap-dan-nhat-2025-vang-co-the-chiem-10-20-danh-muc-dau-tu-275475-275475.html&link=autochanger
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Chuyên gia Lâm Minh Chánh: Chứng khoán là kênh hấp dẫn nhất 2025, vàng có thể chiếm 10-20% danh mục đầu tư
    POWERED BY ONECMS & INTECH